Thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Khơi thông điểm nghẽn

07:54 - Thứ Sáu, 02/12/2022 Lượt xem: 4756 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế triển khai các dự án gặp nhiều khó khăn khiến một số dự án thất bại ngay từ bước thử nghiệm; nhiều dự án chậm tiến độ so với kế hoạch đăng ký với tỉnh... Để tiếp tục thu hút đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế ngành Nông nghiệp cần sớm có giải pháp khắc phục những khó khăn, tồn tại.

Người dân xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) chăm sóc cây ăn quả trong dự án liên kết sản xuất.

Những năm gần đây, tỉnh ta đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư các dự án phát triển nông nghiệp. Các dự án đầu tư khá đa dạng về ngành, lĩnh vực như: Chăn nuôi; thủy sản; trồng rừng; trồng cây ăn quả; nông nghiệp công nghệ cao... Nhất là từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút đầu tư được 13 dự án phát triển cây mắc ca, với tổng quy mô 85.815ha. Tuy nhiên, đến nay nhiều dự án đầu tư phát triển nông nghiệp đã ngừng đầu tư hoặc chậm tiến độ so với kế hoạch đăng ký với tỉnh. Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khiến quá trình triển khai các dự án gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn đầu tiên là trình độ canh tác và tính chuyên nghiệp của người dân trong thực hiện các dự án liên kết sản xuất nông nghiệp. Từ trước đến nay, trên địa bàn tỉnh đã không ít lần người dân tham gia dự án liên kết nhưng không tuân thủ các nguyên tắc, hợp đồng đã thống nhất khiến liên kết bị đứt gãy, không bền vững (gần đây nhất là dự án liên kết trồng chanh leo ở Mường Ảng). Qua đó, nhà đầu tư không còn mặn mà, mất động lực để tiếp tục triển khai các dự án. Bên cạnh đó, trình độ canh tác của người dân hạn chế khiến các dự án thu kết quả không như mong đợi, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Đơn cử như năm 2021, Tập đoàn An Phước đã đến khảo sát về điều kiện đất đai, khí hậu và các cơ chế chính sách của huyện, của tỉnh để tiến hành đầu tư dự án trồng cây gai xanh trên địa bàn huyện Tuần Giáo. Đến cuối năm 2021, Tập đoàn An Phước đã trồng thử nghiệm 3ha cây gai xanh tại xã Mường Thín. Tuy nhiên mô hình thí điểm không đạt hiệu quả như mong đợi.

Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Qua đánh giá, trình độ canh tác, kỹ thuật trồng và chăm sóc của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Điều đó tác động đến tỷ lệ doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, đề xuất dự án trồng cây gai xanh trên địa bàn huyện là khá thấp.

Việc lựa chọn, đánh giá đúng khả năng, tiềm lực của doanh nghiệp, nhà đầu tư là một trong những khâu quan trọng, quyết định đến thành công, hiệu quả của các dự án nông nghiệp. Đơn cử như các dự án trồng mắc ca, theo đánh giá của UBND tỉnh, đến nay có 6/13 dự án trồng mắc ca bị chậm tiến độ. Nhiều địa phương đánh giá các doanh nghiệp thực hiện dự án thiếu chuyên nghiệp, công tác phối hợp giữa nhà đầu tư với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia các dự án trồng mắc ca chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả; có nhà đầu tư có biểu hiện thờ ơ, thiếu nhiệt tình trong việc giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Bên cạnh những khó khăn kể trên, việc thực hiện, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phải được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Những năm qua, để tăng cường thu hút đầu tư, tỉnh ta thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành. Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số cơ chế, chính sách, nhất là chính sách về sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu... theo hướng thông thoáng, thủ tục đơn giản, dễ kiểm tra, dễ thực hiện. Triển khai thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh cụ thể hóa bằng Quyết định số 42/2019/QĐ-UBND ngày 9/12/2019 về Ban hành định mức hỗ trợ từng loại dự án, hạng mục, công trình đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý đầu tư, trong đó tập trung thực hiện đề án cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa”, một cửa liên thông ở các cơ quan, đơn vị liên quan đến giải quyết các thủ tục đầu tư, giải ngân, quyết toán vốn. Đặc biệt, tỉnh đã tăng cường tham vấn, trao đổi, đối thoại giữa chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp để tạo đồng thuận.

Trong năm 2022, tỉnh ta đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 17 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư 8.405,5 tỷ đồng, trong đó có các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh cũng tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm khảo sát, đề xuất chủ trương đầu tư các dự án về lĩnh vực: Trồng rừng, điện sinh khối, phát triển dược liệu quý... Do đó, các cấp, ngành chức năng cần có giải pháp giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc thời gian qua, tạo điều kiện triển khai các dự án thuận lợi.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top