Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

07:41 - Thứ Bảy, 03/12/2022 Lượt xem: 5794 In bài viết

ĐBP - Thời gian gần đây, thanh toán các khoản phí dịch vụ, tiêu dùng bằng hình thức quẹt thẻ, quét mã QR-Code hoặc qua các dịch vụ thanh toán trực tuyến trên nền tảng công nghệ số đã trở thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể theo từng giai đoạn. Đồng thời chú trọng phát triển hạ tầng, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến của người dân, doanh nghiệp. 

Nhân viên Công ty Điện lực Điện Biên hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ thanh toán hóa đơn tiền điện qua tài khoản ngân hàng.

Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành hình thức thanh toán khá phổ biến của người dân trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và các khu vực trung tâm các huyện, thị xã. Phần lớn người dân thanh toán tiền điện, nước, bảo hiểm xã hội, tiền mua sắm hàng hóa, dịch vụ qua hình thức chuyển khoản tài khoản ngân hàng hoặc quét mã QR. Hình thức thanh toán này mang lại nhiều tiện lợi cho người thanh toán, người thu tiền và các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán, góp phần giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.

Ba năm trở lại đây gia đình chị Bùi Thị Thu Hằng, phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ không phải đến các điểm thu tiền điện để nộp tiền như trước. Hàng tháng, tiền điện được trừ tự động qua tài khoản ngân hàng giúp chị Hằng tiết kiệm thời gian, không phải chờ đợi như nộp tại các điểm thu tiền trực tiếp.

Chị Bùi Thị Thu Hằng cho biết: Trước đây, do công việc bận rộn, tôi không để ý và không nắm được lịch thu tiền điện hàng tháng tại tổ dân phố. Do đó, hầu như tháng nào gia đình tôi cũng đóng tiền điện muộn. Có những tháng, Công ty Điện lực Điện Biên phát thông báo chậm nộp 1 - 2 lần tôi mới nhớ để đi nộp tiền điện. Khi Công ty Điện lực Điện Biên phối hợp với các ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ thanh toán tiền điện qua tài khoản ngân hàng, tôi đã đăng ký sử dụng ngay. Sau hơn 3 năm sử dụng, tôi thấy hình thức thanh toán này rất đơn giản, thuận tiện, tạo điều kiện tối đa cho khách hàng. Hiện nay, các khoản thanh toán dịch vụ như: Điện, nước sinh hoạt, bảo hiểm xã hội hoặc đi mua hàng tại siêu thị... tôi đều sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Không chỉ người mua hàng, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng được người bán hàng, nhân viên thu ngân khuyến khích khách hàng sử dụng.

Anh Nguyễn Văn Công, nhân viên dịch vụ giao hàng tại TP. Điện Biên Phủ cho biết: Mỗi ngày tôi phải giao hàng trăm đơn hàng. Số tiền mặt phải thu về là rất lớn. Do đó với mỗi đơn hàng, tôi đều khuyến khích khách hàng thanh toán bằng hình thức chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng. Với tính chất công việc phải di chuyển nhiều, số lượng hàng hóa và số tiền lớn nên việc thanh toán không dùng tiền mặt giúp đảm bảo an toàn, tăng tính minh bạch trong thanh toán và hạn chế tối đa đi lại nhiều lần để giao hàng, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.

Công ty Điện lực Điện Biên là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay Công ty đang quản lý trên 138.506 khách hàng; tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt chiếm trên 65,91%. Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, Công ty Điện lực Điện Biên đã ký hợp đồng liên kết thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt với các đối tác: BIDV, LienVietpostbank, Agribank, Vietinbank, Viettel Điện Biên, Payoo. Ngoài ra, khách hàng có thể thanh toán điện tử qua Vimo, Momo, VNPay, cổng Dịch vụ công quốc gia, VNMedia, Zalopay, ViettelPay. Công ty cũng đã triển khai áp dụng hóa đơn điện tử cho toàn bộ khách hàng sử dụng điện. Khách hàng có thể lấy hóa đơn tiền điện qua trang chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cũng như nhận hóa đơn qua thư điện tử mà khách hàng đã đăng ký.

Trong quy trình thanh toán không dùng tiền mặt, các đơn vị trung gian đóng vai trò rất quan trọng. Để đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt, hiện nay, các đơn vị trung gian như: Các ngân hàng thương mại, VNPT, Viettel... đã và đang chú trọng phát triển các dịch vụ và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để phục vụ khách hàng tốt hơn. Đến nay, 100% ngân hàng thương mại trên địa bàn đã phát triển các ứng dụng Mobile Banking để phục vụ khách hàng. Với ứng dụng này, khách hàng có thể thực hiện chuyển khoản trong, ngoài hệ thống 24/7, nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn điện, nước, mua sắm, thanh toán QR Code, đặt vé máy bay, check-in online, đặt phòng khách sạn, đặt vé xe, vé tàu hỏa cùng nhiều tiện ích khác. Tất cả đều được bảo mật an toàn, tiện ích, giúp khách hàng có thể tiết kiệm thời gian, không mất công đi lại, không phải rút tiền từ máy ATM. Bên cạnh đó, các ngân hàng tăng cường mở rộng mạng lưới về các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để phục vụ khách hàng được nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả hơn.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, tỉnh ta tập trung thực hiện các giải pháp về cơ chế, chính sách; phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ hành chính công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt.

Nhật Phương
Bình luận
Back To Top