Hương thảo quả trên đất Tênh Phông

09:09 - Thứ Bảy, 10/12/2022 Lượt xem: 4409 In bài viết

ĐBP - Nằm trên độ cao từ 1.200m - 1.800m so với mực nước biển, Tênh Phông là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Tuần Giáo. Từ mảnh đất với nhiều “cái khó - cái không”, những tưởng mảnh đất này mãi “dậm chân tại chỗ” nhưng hiện Tênh Phông đã thay da đổi thịt nhờ trồng và phát triển cây dược liệu, đặc biệt là thảo quả.

Người dân xã Tênh Phông sấy thảo quả.

Xã Tênh Phông huyện Tuần Giáo có diện tích rừng khá lớn, chủ yếu là rừng già tự nhiên, nhiều khe suối, độ ẩm lớn nên rất phù hợp cho cây thảo quả phát triển. Vì vậy, chính quyền xã khuyến khích người dân trồng cây thảo quả vừa tăng thu nhập vừa gắn với việc quản lý, bảo vệ rừng. Gần 40 năm về trước, thảo quả được một số người dân trong xã đưa từ Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) về trồng trên nương, sau thấy cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế bà con tập trung trồng đại trà nên diện tích tăng nhanh chóng, từ 15ha (năm 2005) đến nay toàn xã có trên 83ha cho thu hoạch. Thảo quả trồng nhiều tại các bản: Ten Hon, Sá Tự, Há Dùa. Những năm gần đây, thảo quả được giá, được mùa mang lại thu nhập không nhỏ cho người dân xã Tênh Phông. Hộ nào ít thu được 10 triệu đồng/năm; còn hộ trồng với diện tích lớn mỗi năm thu trên 200 triệu đồng.

Ông Mùa A Dụa, Chủ tịch UBND xã Tênh Phông cho biết: “Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, những loại cây trồng này đã và đang là những cây trồng chủ lực để xã thúc đẩy kinh tế phát triển, giúp nhân dân trên địa bàn xã xóa đói giảm nghèo ổn định. Từ hiệu quả thực tế đó, thời gian qua, Đảng bộ và chính quyền xã Tênh Phông đã tập trung chỉ đạo bà con nông dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đưa cây thảo quả và cây sơn tra thành cây mũi nhọn; đồng thời từng bước hình thành vùng chuyên canh để đưa các sản phẩm nông sản này trở thành những loại hàng hóa, đem lại nguồn thu ổn định cho nhân dân”.

Ở Tênh Phông, vui nhất là mùa thu hoạch thảo quả, mọi người cùng nhau lên nương thu hái thảo quả, họ làm lán và lò sấy thủ công ngay trên nương. Những quả thảo quả đỏ tươi mọc thành chùm được thu hái rồi đưa vào lò sấy khô. Sau đó, người dân mới vận chuyển thảo quả khô về nhà bảo quản, cất giữ. Lúc sấy thường phải tập trung canh lửa, đốt than hồng rực lên để ủ. Sức nóng sẽ làm cho thảo quả khô nhanh hơn. Sấy 3 ngày 3 đêm quả mới khô.

Chúng tôi có mặt ở lò sấy thảo quả của gia đình anh Lầu Dũng Sính, bản Há Dùa ngay từ sáng sớm. Các thành viên trong gia đình anh đang chuẩn bị lên nương thu hoạch thảo quả tươi. Quả tươi từ nương về đến đâu đưa ngay vào lò sấy đến đó. Năm nay, gia đình anh Sính dự kiến sẽ thu hoạch được khoảng 1 tấn quả khô bán với giá 100.000 đồng/kg, gia đình anh sẽ thu về khoảng 100 triệu đồng.

Chúng tôi cảm nhận được hương thơm của thảo quả và cả những giọt mồ hôi, nụ cười hạnh phúc của bà con nông dân nơi đây khi thành quả bao ngày chăm sóc đã vào mùa thu hoạch. Anh Lầu Vàng Páo, bản Há Dùa cho biết: “Từ nhiều năm qua, cây thảo quả đã gắn bó với gia đình và người dân trong xã, cho thu nhập ổn định và được ví như “phao cứu sinh”. Mỗi năm, gia đình anh Páo thu nhập trên 100 triệu đồng tiền bán thảo quả. Để đảm bảo tiến độ, gia đình anh có 3 lao động thường xuyên ở trên rừng thu hái, sấy khô, vận chuyển thảo quả về bản. Năm nay, gia đình anh thu trên 30 bao thảo quả khô (ước gần 1,2 tấn). Nhờ thảo quả, gia đình anh có thêm thu nhập, ngày càng cải thiện cuộc sống”.

Còn gia đình ông Mùa Dúa Vàng ở bản Ten Hon có 2ha trồng cây thảo quả. Không giấu được niềm vui ông Vàng chia sẻ: Thảo quả là cây trồng cho năng suất tương đối cao, cây dễ trồng, rất ít công chăm sóc. Sau khi trồng, các hộ dân chỉ cần thường xuyên phát bỏ cây cỏ xâm lấn, dây bụi leo và xới đất quanh gốc là cây có thể phát triển ổn định. Năm nay, gia đình tôi thu hoạch được khoảng 1,5 tấn quả tươi (tương đương 3 tạ quả khô). Với giá bán từ 25.000 - 30.000 đồng/kg (quả tươi), 100.000 - 120.000 đồng/kg (quả khô), những năm được mùa, năng suất có thể đạt cao hơn.

Để cây thảo quả phát triển bền vững, cấp ủy, chính quyền xã Tênh Phông đã có cách làm hiệu quả, sáng tạo đó là thành lập quy ước cộng đồng cho các bản về thời gian tự trông coi và thu hái thảo quả, tránh tình trạng bị mất trộm và bị tư thương ép giá.

Thời điểm này, từ sáng sớm đến tối muộn người dân các bản luôn nhộn nhịp thu hoạch, mua, bán thảo quả. Bà con tập trung nhân lực vào rừng thu hái, đắp lò, đốt lửa, sấy khô thảo quả ngay tại rừng. Nhờ gắn kết giữa bảo vệ rừng với trồng, chăm sóc thảo quả, nông dân xã Tênh Phông hưởng lợi kép đã góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.

Lường Phượng
Bình luận

Tin khác

Back To Top