Các hãng hàng không tăng chuyến phục vụ Tết Quý Mão

15:13 - Thứ Hai, 12/12/2022 Lượt xem: 2071 In bài viết

Các hãng hàng không Việt Nam dồn dập tăng chuyến dịp Tết Quý Mão tới đây, với mức tăng hơn 8.000 chuyến bay và tăng gần 1,7 triệu ghế, tổng cộng cung ứng hơn 6,7 triệu ghế trên thị trường... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giá vé máy bay các chặng đều đang ở mức khá cao và một số chặng đã "khóa sổ".

Tăng chuyến phải cân đối với chất lượng dịch vụ - Ảnh minh họa

Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, lịch bay mùa Đông 2022-2023 của các hãng hàng không trong nước bắt đầu từ 30/10/2022 (Chủ nhật cuối cùng của tháng 10), qua Tết Dương lịch, cao điểm Tết Nguyên đán (từ 8/1 đến 7/2/2023) và kết thúc ngày 25/3/2023 (thứ 7 cuối cùng của tháng 3/2023).

Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) cung ứng tổng cộng 15.767 chuyến, tăng hơn 4.000 chuyến, cung ứng thêm hơn 1,1 triệu ghế, nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến ngày Tết.

Vietjet Air tăng 30% số chuyến bay, cung ứng trên 12.000 chuyến, đưa lượng ghế cung ứng lên hơn 2,6 triệu ghế, tăng hơn 600.000 ghế so với lịch khai thác bình thường.

Là hãng hàng không có tỉ lệ tăng chuyến lớn nhất trong dịp Tết Âm lịch tới đây, hãng hàng không Pacific Airlines, một đơn vị thành viên của Vietnam Airlines Group tăng tới 59%, tương đương tăng 1.364 chuyến bay, đưa lượng ghế cung ứng tăng 68% với gần 290.000 ghế.

Các đường bay tăng chuyến cao là TPHCM-Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Hới, Vinh, Thanh Hóa, Chu Lai, Hải Phòng, Quy Nhơn, Huế và ngược lại.

Giá vé cao, nhiều chặng bay đã "khóa"

Theo khảo sát của phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, các chặng cao điểm Tết từ TPHCM đi Thanh Hóa, Vinh hay Huế, Đà Nẵng... còn rất ít chuyến bay, giá vé cao.

Đơn cử, ngày 16/1 (25 tháng Chạp âm lịch), chặng TPHCM - Thanh Hóa chỉ có 1 chuyến bay của hãng Vietravel Airlines, giá gần 2,4 triệu đồng/chiều; Vietjet có 3 chuyến bay giá vé gần 2,5 triệu đồng/chiều; Pacific Airlines cũng chỉ có 1 chuyến bay; Bamboo Airways còn 2 chuyến bay nhưng 1 chuyến đã hết vé hạng thường, chỉ còn hạng thương gia gần 3,8 triệu đồng/chiều; 3 chuyến bay cùng ngày của hãng Vietnam Airlines cũng chỉ còn vé hạng thương gia, hơn 4,8 triệu đồng/chiều.

Trong khi đó, các chuyến bay chặng TPHCM - Hà Nội vẫn còn rất nhiều chuyến bay, giá vé vẫn như mọi năm, hầu hết đều chạm trần.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết đến thời điểm hiện tại, lượng khách đặt vé máy bay nội địa giai đoạn chiều cao điểm Tết đã tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2019 - cao điểm trước đại dịch. Nhu cầu lớn tập trung vào các đường bay thăm thân từ TPHCM đi Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Huế, Quy Nhơn, Buôn Mê Thuột, Pleiku, Đồng Hới...

Về việc "cháy vé" hạng thường, chỉ còn hạng thương gia, đại diện Vietnam Airlines khẳng định giá vé bán mùa Tết năm nay vẫn mở linh hoạt theo tình hình thị trường với đa dạng các mức giá và tuân thủ quy định giá trần nội địa. Nhiều người sau 2 năm dịch bệnh không được về quê nên đã lên kế hoạch mua vé sớm, khiến dải giá vé thường trên một số chặng hết sớm.

Ngoài hãng Hàng không quốc gia, hiện Vietravel Airlines cũng thông báo một số chặng từ TPHCM đi Quy Nhơn, Đà Nẵng đã "khóa". Chặng TPHCM - Hà Nội lượng khách cũng đã xấp xỉ 40%, do chặng này số lượng tải khá lớn và xu hướng khách thường mua vé cận Tết. 

Tăng chuyến phải cân đối với chất lượng dịch vụ

Trả lời câu hỏi về việc Cục Hàng không Việt Nam có phương án cấp thêm slot cho các hãng hàng không để tăng lượng ghế cung ứng, đáp ứng nhu cầu đi lại tăng rất cao của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, Cục Hàng không khẳng định: Tăng thêm slot để chuyến bay nội địa là cần thiết. Nhưng phải cân đối với chất lượng dịch vụ, khả năng phục vụ của nhà ga. Cơ bản các cảng hàng không trên cả nước đều có thể đáp ứng tối đa nhu cầu của hành khách. Vấn đề chỉ nằm ở “điểm nóng” Tân Sơn Nhất.

“Với cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất, Cục Hàng không có thể tăng năng lực khai thác hơn nữa với đường cất hạ cánh. Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở nhà ga. Hiện tại, nhà ga Tân Sơn Nhất chỉ đáp ứng tối đa khoảng 3.600 khách/giờ (2.000 khách ở sảnh A, 1600 ở sảnh E), tăng hơn nữa là ùn tắc. Đây là lý do Cục Hàng không đang giới hạn slot số chuyến lượt cất, hạ cánh tại đây ở mức 42 chuyến/giờ”, đại diện Cục Hàng không thông tin.

Dịp Tết năm nay, đối với sân bay Tân Sơn Nhất, trong 10 khung giờ ban ngày (từ 9h-14h55 và 18h-21h55), Cục Hàng không đã thông qua phương án mỗi khung giờ tăng 2 slot. Ban đêm (từ 23h của ngày hôm trước đến 3h55) vẫn còn 13 slot mỗi khung. Dự kiến mỗi ngày sẽ có thêm khoảng 3.000 ghế cung ứng giai đoạn Tết.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 27.000 hành khách qua Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Dự kiến theo lịch bay mùa Đông 2022 – 2023, cũng như thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại thì sản lượng khách quốc tế và tần suất chuyến bay đi và đến Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sẽ tăng.

Theo đánh giá của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, với 6 hãng hàng không trong nước và 54 hãng bay quốc tế, dự kiến lịch bay mùa Đông đạt 680 chuyến bay/ngày đi và đến (450 chuyến bay nội địa và 230 quốc tế), tăng 40 chuyến so với mùa Hè, trung bình 100.000 hành khách/ngày.

Trong đó, giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2023 lịch bay tăng cao, dự kiến trung bình ngày có khoảng 800 chuyến bay thông qua Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, lượng khách trung bình ngày khoảng 120.000 khách (nội địa 85.000 khách, quốc tế 35.000 khách).

Khuyến cáo hành khách nguy cơ mua phải vé máy bay giả

Thời điểm cận Tết, một số hãng hàng không đã cảnh báo hành khách cần sáng suốt trong việc lựa chọn địa điểm mua vé máy bay, tránh tình trạng mua phải những vé giả mạo.

Đại diện Vietravel Airlines cho biết, thời gian gần đây, hãng có tiếp nhận vài trường hợp khách hàng liên hệ để kiểm tra lại thông tin hành trình sau khi đã xuất vé thành công cho các chặng bay quốc tế mà hãng đang không khai thác như chặng TPHCM - Gangwon do hành khách mua vé trên các website giả mạo các hãng hàng không. 

Vietravel Airlines khuyến cáo hành khách cần phải cẩn trọng với những website có giá vé rẻ bất thường so với thị trường chung và tên thương hiệu có sai ký tự, chỉ mua vé qua các website chính thức của hãng hoặc tổng đài, email và fanpage của hãng.

Liên quan đến nguy cơ mua nhầm vé máy bay giả, để bảo đảm quyền lợi của hành khách cũng như của các hãng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam khuyến cáo hành khách nên mua vé máy bay qua phòng vé hoặc các đại lý chính thức của hãng. Đối với hình thức mua vé máy bay trực tuyến, hành khách cần lưu ý một số yêu cầu sau trong quá trình thánh toán: Bảo đảm thẻ đủ điều kiện thanh toán trực tuyến, thẻ được đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến, thẻ còn hiệu lực, đủ hạn mức thanh toán.

Hành khách cần lưu ý xuất trình những giấy tờ liên quan đến việc xác nhận chủ thẻ như thẻ thanh toán, giấy tờ tùy thân và vé điện tử khi được hãng hàng không yêu cầu. Cùng với đó, hành khách cần cẩn trọng khi mua vé qua các kênh trung gian không có địa chỉ, nguồn gốc rõ ràng.

Hành khách nên truy cập vào các trang thông tin điện tử hoặc gọi đến tổng đài hỗ trợ hành khách của các hãng hàng không để tìm hiểu các thông tin liên quan đến việc mua vé máy bay trực tuyến khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ vận tải hàng không.

Theo Chinhphu.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top