Các nội dung cần tập trung trong chính sách công nghiệp quốc gia

15:48 - Thứ Tư, 14/12/2022 Lượt xem: 2455 In bài viết

Trong 10 năm qua, công nghiệp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu, đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, nền công nghiệp nước ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước. Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ nội dung CNH-HĐH để đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 nêu rõ mục tiêu phấn đấu nâng tỷ trọng công nghiệp trong GDP vào năm 2030 đạt hơn 40%... Để thực hiện thành công mục tiêu trên, bảo đảm nguồn lực sản phẩm phát huy tối đa sức mạnh nền tảng cần có chính sách sản xuất công nghiệp phù hợp, tập trung trong một số nội dung cốt lõi. 

Xu hướng chính tác động đến nền sản xuất công nghiệp

Công nghiệp Việt Nam giai đoạn vừa qua vẫn chủ yếu phát triển theo các mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững về năng suất cạnh tranh, tiêu chuẩn chất lượng. Sự liên kết giữa các ngành công nghiệp nói chung, giữa công nghiệp dân sự và công nghiệp quốc phòng (CNQP) trong chuỗi cung ứng sản phẩm quốc gia và toàn cầu chưa thật chặt chẽ. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có thể nhận thấy 3 xu hướng chính tác động mạnh mẽ đến sản phẩm và nền sản xuất công nghiệp:

Thứ nhất, lĩnh vực trọng tâm: Dòng chảy thương mại toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng cùng với sự hình thành và phát triển các chương trình hội nhập kinh tế quốc tế như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Thực tế đó đã dẫn đến hai lĩnh vực lớn được đặt ra: Tiêu chuẩn và chuỗi cung ứng sản phẩm hay nói cách khác là thị trường đòi hỏi sản phẩm chất lượng, sự tiếp cận hàng hóa theo quy chuẩn chính xác và thời gian nhanh nhất vì mục đích cuối cùng của hoạt động kinh tế, sản xuất, thương mại là để có được sản phẩm chứ không phải tiền, vì tiền là chỉ là phương tiện để mua sản phẩm.

Công nhân lao động sản xuất tại Công ty Cổ phần dụng cụ cơ khí xuất khẩu. Ảnh: Trọng Hải

Thứ hai, phát triển bền vững: Hầu hết các tương tác giữa vốn tự nhiên và vốn con người để tạo ra sản phẩm được thực hiện qua sản xuất công nghiệp. Vì vậy, ngành sản xuất công nghiệp tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên và gây ra sự thay đổi môi trường chẳng hạn như biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến môi trường sống cũng như nguy cơ đứt gãy trong chuỗi cung ứng vật liệu.

Theo cảnh báo của Liên hợp quốc, các hệ sinh thái trên trái đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biến đổi, đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người. Đây là vấn đề cấp bách đòi hỏi phải có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả hơn về sử dụng tài nguyên, ngăn ngừa biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Thứ ba, liên kết vùng công nghiệp (industrial cluster): Các liên kết vùng công nghiệp bao gồm các doanh nghiệp, nhà cung cấp phụ trợ, cơ sở giáo dục, nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành hỗ trợ lẫn nhau trong một khu vực không gian nhất định. Các liên kết sản xuất công nghiệp mạnh trong một khu vực sẽ giúp định vị chiến lược vùng công nghiệp cạnh tranh trong chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu về năng suất, việc làm và đầu tư tư nhân nhằm thúc đẩy nền kinh tế và tạo ra sự đổi mới mạnh mẽ.

Ngoài ra, lịch sử thế giới cho thấy các quốc gia đều vừa phải xây dựng, vừa bảo vệ đất nước. Vì vậy luôn có sự liên kết giữa CNQP và công nghiệp dân sự. Ví dụ, sự phổ biến các sản phẩm công nghệ quân sự đột phá như máy tính, internet, vệ tinh liên lạc và GPS để phục vụ cho mục đích dân sự. Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng dòng chuyển giao công nghệ đã có sự đảo ngược sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các ngành công nghiệp dân dụng dần đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển công nghệ trong thời đại kỹ thuật số.

Những nội dung cần tập trung 

Với những đặc điểm tình hình như trên, có thể thấy, chính sách công nghiệp quốc gia nên tập trung vào các nội dung là:

Thứ nhất, nghiên cứu và phát triển tiêu chuẩn hóa sản phẩm: Trong thời đại “vạn vật kết nối” (Internet of things) các sản phẩm đều phải có tiêu chuẩn phù hợp để có thể kết nối với nhau nhằm tự động hóa liên tục và đạt được hiệu quả tối đa. Hệ thống đường sắt ở nước ta hiện nay không phát huy hiệu quả chủ yếu là do tiêu chuẩn lạc hậu so với quy chuẩn vận chuyển, bốc xếp hàng hóa và hơn nữa không kết nối chuẩn mực được với hạ tầng giao thông khác như đường bộ, đường thủy, đường không và đặc biệt là với hạ tầng kỹ thuật quốc tế.

Cần có sự nghiên cứu, xây dựng và phát triển cũng như hợp tác quốc tế để hoàn thiện các tiêu chuẩn sản phẩm như “Made in Việt Nam” và các tiêu chuẩn liên quan (trong cả 3 lĩnh vực: Kỹ thuật, môi trường và xã hội) nhằm bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh trong các doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm tốt nhằm phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế hiệu quả. 

Thứ hai, học tập suốt đời ở doanh nghiệp: Tất cả chúng ta đều biết rằng giai cấp công nhân ở nước ta mới được hình thành và phát triển, và hơn nữa bên cạnh vấn đề ngân sách đào tạo, thời gian của nhân viên rất hạn chế trong bối cảnh các ngành nghề thay đổi nhanh chóng. Vì vậy, việc học tập suốt đời với sự hỗ trợ của công nghệ số phát triển như ngày nay là một phần quan trọng để đạt được các mục tiêu nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, nếu không kết nối việc học với hiệu quả công việc, doanh nghiệp sẽ không bao giờ nhận được lợi ích của việc học tập suốt đời. Cần bảo đảm rằng mọi nhân viên đều có cơ hội chọn mục tiêu đào tạo mà họ thực sự đầu tư và điều đó luôn góp phần vào hiệu suất công việc cũng như gắn liền đến phát triển sự nghiệp cá nhân của họ.

Thứ ba, cải thiện khả năng tiếp cận tài chính: Cần có các chính sách quy hoạch, xây dựng chiến lược các ngành sản xuất và công nghiệp cốt lõi trong thời đại công nghệ số để có chính sách tài khóa và tiền tệ phù hợp. Đặc biệt, chính sách định giá, thuế và phát hành trái phiếu nên có sự nghiên cứu và quản lý hiệu quả để hỗ trợ cho những ngành sản xuất công nghiệp có sản phẩm với tính đột phá và lan tỏa như logistics, năng lượng, công nghệ cao... hơn là tạo ra các tỷ phú làm giàu trên sự chênh lệch giá do sự bất cập của các chính sách phi thị trường như đầu cơ, thông đồng thổi giá, quản lý quy hoạch sử dụng đất (thay đổi quy hoạch và mục đích sử dụng theo nhiệm kỳ) và chính sách hai giá đất...

Thứ tư, phát triển bền vững: Tăng cường vai trò của người lao động trong quan hệ lao động 3 bên để bảo đảm một thị trường sản xuất công nghiệp có chế độ tiền lương, điều kiện lao động và các chính sách bảo hiểm tiến bộ và bền vững cho lực lượng lao động. Cần thiết lập một hệ thống đại diện giới chủ (bao gồm chủ yếu là các nhà sản xuất công nghiệp tiên phong) độc lập và chuyên nghiệp để bảo đảm vận hành cơ chế 3 bên thiết thực và hiệu quả lâu dài trong việc hoạch định chính sách phát triển sản xuất công nghiệp trong thời đại công nghệ số. 

Ngoài ra, cần xây dựng và từng bước áp dụng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả hơn như mô hình chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Đây cũng chính là giải pháp để tiếp tục vững tin đi trên con đường đến phát triển bền vững cùng kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), để đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050.

Thứ năm, liên kết vùng công nghiệp: Ngành sản xuất công nghiệp phát triển thiếu gắn kết chặt chẽ ở cấp vùng sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh và khó phát huy tối đa lợi thế, đồng thời gây lãng phí nguồn lực và mất cân bằng quy mô kinh tế (Economy of scale) trong một không gian hệ sinh thái kinh tế khu vực, cuối cùng là rơi vào các bẫy nợ quốc tế. Chính vì vậy, cần có chính sách xây dựng các liên kết vùng công nghiệp, trong đó có liên kết công nghiệp dân sự và quốc phòng để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Ngành CNQP phát triển các công nghệ tiên tiến để bảo đảm ưu thế sức mạnh quốc gia. Tại các nước phát triển, các ngành công nghiệp dân dụng đã được hưởng lợi từ kết quả của sự phát triển công nghệ quân sự. Do đó, các ứng dụng lưỡng dụng là rất quan trọng để thương mại hóa và sử dụng các công nghệ cho cả quân sự và dân sự nhằm đạt được sự phát triển chung. Để bảo đảm tăng trưởng bền vững, CNQP cần tăng cường quan hệ với các ngành công nghiệp dân dụng trong nước.

Có một nền CNQP được tổ chức tốt, phát triển và liên kết chặt chẽ với công nghiệp dân dụng là một công cụ không thể thiếu để nâng cao năng lực phòng thủ đất nước, bảo vệ nhân dân và bảo vệ lợi ích quốc gia. Công nghiệp nói chung và CNQP nói riêng là một bộ phận cấu thành của nền quốc phòng toàn dân. Chính vì vậy, phát triển sản xuất công nghiệp dân sự liên kết với ngành CNQP phải là trọng tâm trong các chính sách phát triển kinh tế để tạo ra các sản phẩm Việt Nam kỳ diệu.

Chính sách phát triển sản xuất công nghiệp mạnh mẽ cùng với sự xây dựng các liên kết vùng công nghiệp nói chung và liên kết với CNQP nói riêng sẽ hình thành những pháo đài công nghiệp với các ngành phụ trợ bao quanh, có sức cạnh tranh cao, góp phần bảo vệ và phát triển đất nước. Chiến lược phát triển các không gian vùng liên kết công nghiệp kết hợp hoàn hảo với chính sách ngoại giao theo phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, chắc chắn sẽ bảo đảm sự trường tồn và hùng cường của đất nước. 

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top