Kiểm soát giá - thành công của năm 2022

07:32 - Thứ Ba, 20/12/2022 Lượt xem: 4733 In bài viết

Dù chưa hết năm 2022 nhưng có thể nhận định nền kinh tế nước ta sẽ ghi dấu ấn đậm nét, với sự ổn định vĩ mô, nổi bật là thành công trong việc kiểm soát giá cả thị trường. Đây là kết quả rất đáng khích lệ, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, lạm phát trên thế giới tác động rất mạnh đến hoạt động kinh tế, trong khi đời sống dân sinh còn nhiều khó khăn sau hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19..

Người dân mua xăng tại cửa hàng xăng, dầu trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên). Ảnh: Nguyễn Quang

Lạm phát thấp, tạo sự an tâm

Theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 11-2022 tăng 0,39% so với tháng trước và là mức tăng vừa phải. Đáng lưu ý là một số địa phương, đô thị lớn như Hà Nội, CPI giảm góp phần kéo giảm đà tăng CPI nói chung. Tính chung, CPI bình quân trong 11 tháng năm 2022 chỉ tăng 3,02% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, có thể thấy dư địa còn lại so với chỉ tiêu CPI tăng dưới 4% cho cả năm đang còn rất nhiều và thực tế đó cho phép nhận định kết quả kiềm chế lạm phát năm 2022 chắc chắn trong tầm tay.

Từ đầu năm 2022 đến nay, áp lực lạm phát luôn hiện diện, do nhiều yếu tố nhưng chủ yếu do tác động của một số lần điều chỉnh tăng giá xăng, dầu bên cạnh sự tăng giá của nhiều loại nguyên, vật liệu đầu vào nhập khẩu từ thế giới. Sự ổn định về thời giá được xã hội đón nhận, cũng là thành công trong công tác điều hành vĩ mô thông qua việc cho giãn, giảm thuế đối với nhiều loại hàng hóa, trong đó có nhiên liệu.

Các chuyên gia cho rằng, ở thời điểm hiện tại càng có cơ sở để an tâm về CPI của tháng 12-2022. Hiện, nhiều loại thực phẩm, thủy sản, rau xanh - vốn có tác động khá mạnh đến diễn biến CPI hằng tháng, vẫn trong tình hình ổn định do nguồn cung dồi dào. Đặc biệt, giá thịt lợn tại chợ đang trong xu hướng chững hoặc giảm (giá thịt lợn giảm hơn 12% tính chung trong 11 tháng vừa qua).

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, CPI tăng ở mức như nói trên là điều phấn khởi. Nguyên nhân chủ yếu do sự điều hành linh hoạt và hiệu quả của Chính phủ; nhất là trong thúc đẩy sản xuất, tạo ra lượng hàng hóa phong phú cho thị trường. Trong đó, tập trung nhiều vào nhóm thực phẩm, nông sản nên mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng từng bước phục hồi, đẩy mạnh liên kết tạo ra sự thông thoáng, bảo đảm nguồn cung đầu vào, cơ bản khắc phục được tình trạng đứt gãy nguồn cung trước đây. Bản thân các hộ gia đình cũng chủ động tiết giảm hoặc chi tiêu có chọn lọc hơn nên cũng tạo ra điều kiện tốt để kiềm chế đà tăng giá tiêu dùng...

Sự theo dõi sát sao, kịp thời trong điều hành thị trường nói chung và giá bán lẻ xăng, dầu nói riêng thời gian qua đã góp phần kìm hãm đà tăng CPI, nhất là duy trì an sinh xã hội trên diện rộng. Đặc biệt, sự kiên quyết của Chính phủ cùng một số cơ quan chức năng trong việc bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho nền kinh tế và hoạt động xã hội đã góp phần ổn định thị trường, nhận được sự đồng thuận của cộng đồng.

Người dân lựa chọn thịt lợn tại chợ dân sinh xã Yên Thường (huyện Gia Lâm). Ảnh: Trọng Hiếu

Chủ động kiểm soát CPI

Đến nay, dự báo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê đều cho rằng CPI cả năm 2022 sẽ khó tăng cao hơn 3,5%. Trong khi đó, các tổ chức kinh tế quốc tế uy tín cũng nhận định CPI của Việt Nam không tăng cao hơn 4%.

Song, tình hình thực tế vẫn đặt ra yêu cầu không thể chủ quan, mà ngược lại cần sự cảnh giác để thu được kết quả tốt nhất. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái lưu ý, dịp cuối năm tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng rất nhanh, nguồn cung hàng hóa tăng và nhu cầu tiêu dùng cũng tăng trong khi yếu tố thời tiết, thiên tai vẫn khó lường... sẽ tác động đến CPI. Vì vậy, công tác điều hành giá cần được liên tục, linh hoạt và bám sát mục tiêu đề ra. Làm tốt điều đó cũng là tạo tiền đề thuận lợi cho việc khống chế lạm phát trong năm 2023 sắp tới...

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng khuyến cáo không chủ quan với lạm phát, bởi dịp cuối năm, lượng tiền cung ra xã hội tăng thông qua giải ngân các loại vốn, bên cạnh vòng quay của đồng tiền cũng nhanh hơn.

Một yếu tố có tác động lớn đến CPI, nhưng cũng là ẩn số bởi luôn bị động, tùy thuộc vào tình hình thị trường thế giới là giá xăng, dầu. Trong đợt điều chỉnh giá gần nhất (ngày 12-12), giá xăng đã giảm hơn 1.500 đồng/lít và tạo ra sự hậu thuẫn khá lớn đối với việc ổn định mặt bằng giá chung. Nếu đà giảm giá xăng, dầu còn tiếp diễn sẽ là điều kiện rất thuận lợi. Theo các chuyên gia, giá xăng, dầu khoảng 18.000-20.000 đồng/lít là mức “lý tưởng”, phù hợp với điều kiện và thực tế vận hành kinh tế - xã hội Việt Nam. Hiện, 2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất đều đang vận hành liên tục, ổn định, tiếp tục đáp ứng một phần quan trọng lượng xăng, dầu cho nhu cầu trong nước. Như vậy, trong ngắn hạn, giá xăng, dầu sẽ khó tăng đột biến để gây hiệu ứng đẩy CPI tăng cao ngoài mong muốn. 

Để kiềm chế CPI thời gian cuối năm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đề xuất, cơ quan chức năng cần tập trung làm tốt công tác quản lý thị trường, tuy chỉ còn thời gian ngắn nhưng thị trường cận Tết có thể xuất hiện sự phức tạp, gây ảnh hưởng đến cung - cầu và giá cả. Do đó, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thương mại, ngăn ngừa hàng giả, hàng lậu, bảo đảm lưu thông thông suốt nhằm tạo sự ổn định, tương đồng giữa giá bán và chất lượng hàng, sự dồi dào về chủng loại cũng như số lượng hàng hóa trên thị trường.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top