Hạn chế liên kết trên cánh đồng Mường Thanh

07:02 - Thứ Bảy, 24/12/2022 Lượt xem: 5622 In bài viết

ĐBP - Cánh đồng Mường Thanh có diện tích lớn nhất khu vực Tây Bắc. Người dân các xã vùng lòng chảo Mường Thanh có kỹ thuật thâm canh lúa cao. Mặc dù có “Thiên thời, địa lợi và nhân hòa” song nhiều năm nay, việc phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại cánh đồng Mường Thanh theo hướng liên kết thống nhất tạo thành sản phẩm hàng hóa còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế.

Người dân xã Thanh Xương thu hoạch lúa mùa năm 2022.

Cánh đồng Mường Thanh có diện tích trên 4.100ha, được người dân thâm canh lúa 2 vụ. Để nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng lúa gạo, những năm qua, UBND huyện Điện Biên chỉ đạo các xã khu vực lòng chảo tăng cường áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất; thường xuyên cập nhật, bổ sung các giống lúa mới, chất lượng cao. Nhờ đó đã tạo ra sản phẩm gạo Điện Biên thơm ngon và từng bước tạo được vị trí trên thị trường nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, việc sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại cánh đồng Mường Thanh chủ yếu là hình thức hộ sản xuất, chưa áp dụng công nghệ tiên tiến về chế biến, bảo quản, bao bì, mẫu mã, tem mác sản phẩm... Do đó giá trị sản phẩm chưa được nâng cao.

Những năm gần đây, phát triển lúa gạo chất lượng cao theo hướng hàng hóa là hướng đi được UBND huyện Điện Biên quan tâm, chú trọng thực hiện. UBND huyện đã ban hành nhiều chính sách thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư dự án về liên kết sản xuất lúa gạo tại khu vực các xã vùng lòng chảo. Thực tế, huyện Điện Biên đã thu hút được một số doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư các dự án liên kết sản xuất lúa gạo tại cánh đồng Mường Thanh với tổng diện tích vùng nguyên liệu tham gia liên kết khoảng 500ha. Các đơn vị này đã đầu tư về giống lúa, quy trình sản xuất, xây dựng nhà máy chế biến, đồng thời quan tâm đến mẫu mã, bao bì sản phẩm. Một số sản phẩm như: Gạo Tâm Sáng; gạo Nàng Hiên đã đạt chuẩn sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên hiệu quả các dự án sản xuất lúa gạo chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tạo ra sự đột phá trong sản xuất lúa gạo trên địa bàn huyện.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Phát triển sản phẩm lúa gạo chất lượng cao trên địa bàn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Hiện nay huyện Điện Biên có vùng nguyên liệu lớn; nguồn giống năng suất, chất lượng cao; người dân có trình độ canh tác, khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật cao... Cái thiếu duy nhất hiện nay là việc thu hút các nhà đầu tư đủ tiềm lực đầu tư dự án sản xuất gạo quy mô trên địa bàn. Những năm qua, huyện đã tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp nội tỉnh đầu tư dự án tại cánh đồng Mường Thanh. Tuy nhiên, năng lực các đơn vị quá yếu, chỉ liên kết sản xuất được vùng nguyên liệu rất nhỏ so với diện tích hiện có. Đối với các doanh nghiệp này, huyện có tạo điều kiện cho vùng nguyên liệu lớn hơn cũng không đủ khả năng thực hiện. Bởi vì năng lực sản xuất yếu, cùng với đó dây chuyền công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm chưa được đầu tư đồng bộ.

Ngoài các lý do kể trên, thời gian qua việc thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất chưa chuyên nghiệp, chưa có tính hệ thống, khiến nhiều hộ dân đã rời bỏ dự án liên kết để quay về mô hình hộ sản xuất.

Những năm trước, chị Lê Thị Hà, thôn 7, xã Thanh Yên thường xuyên tham gia liên kết sản xuất với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên. Tuy nhiên, vụ mùa năm 2022, chị Hà đã rời khỏi liên kết, quay về hình thức sản xuất cũ. Chị Hà cho biết: Những năm trước, tham gia liên kết gia đình tôi được hợp tác xã hỗ trợ giống, quy trình sản xuất và khi thu hoạch được hợp tác xã bao tiêu sản phẩm. Thời gian đầu, tôi thấy mô hình liên kết khá hiệu quả. Song 1 - 2 vụ lúa gần đây, phía hợp tác xã thường xuyên chậm thanh toán tiền cho người dân, khiến người dân mất dần niềm tin vào liên kết. Do đó vụ mùa năm nay, tôi quyết định không tham gia liên kết với hợp tác xã. Không chỉ riêng tôi, nhiều hộ gia đình trong thôn cũng đã rời khỏi liên kết.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, thôn C9B, xã Thanh Xương cho biết: Gia đình tôi có 1ha lúa sản xuất 2 vụ. Nhiều năm nay, mỗi vụ lúa tôi chỉ dành 1.000m2 để sản xuất lúa phục vụ nhu cầu gia đình, còn 9.000m2 tham gia liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, hợp tác xã. Trước đây, tôi tham gia liên kết với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên. Tuy nhiên, do phía hợp tác xã thanh toán tiền không kịp thời nên năm nay tôi đã chuyển sang liên kết sản xuất với Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Điện Biên.

Giai đoạn 2021 - 2025, UBND huyện Điện Biên đã đề xuất xây dựng dự án sản xuất lúa gạo chất lượng cao trên địa bàn các xã vùng lòng chảo. Qua đó thu hút các doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư dự án vào cánh đồng Mường Thanh. Để thực hiện hiệu quả công tác thu hút đầu tư, huyện Điện Biên đã rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số cơ chế, chính sách, nhất là chính sách về sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu... theo hướng thông thoáng, thủ tục đơn giản, dễ kiểm tra, dễ thực hiện. Cùng với đó, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý đầu tư, tập trung cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở các cơ quan, đơn vị liên quan đến giải quyết các thủ tục đầu tư, giải ngân, quyết toán vốn. Đồng thời tăng cường tham vấn, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để tạo đồng thuận, thu hút đầu tư các nguồn vốn ngoài ngân sách vào địa bàn.

Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top