Mường Ảng chủ động phòng, chống đói rét cho vật nuôi

07:25 - Thứ Hai, 26/12/2022 Lượt xem: 3305 In bài viết

ĐBP  - Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa đông năm nay dự kiến kéo dài. Đặc biệt tiết đại hàn vào ngày 21/1/2023 (30/12 âm lịch), giai đoạn này được dự báo tần suất rét đậm, rét hại kèm theo mưa có thể diễn ra theo từng đợt. Các đợt rét đậm, rét hại được dự báo diễn ra ở nửa cuối tháng 1, đầu tháng 2/2023. Đề phòng xuất hiện các hiện tượng băng giá, sương muối trong các tháng chính của mùa đông.

Người dân xã Ẳng Cang chủ động che chắn chuồng trại phòng chống rét cho trâu, bò.

Mùa đông năm 2021 - 2022, toàn huyện Mường Ảng có 57 con trâu, bò bị chết (chủ yếu chết đói, rét). Để chủ động phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi, bảo đảm sức khỏe, an toàn dịch bệnh, huyện Mường Ảng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi ngay từ đầu mùa đông. Qua đó, nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống đói rét cho vật nuôi.

Gia đình ông Lò Văn Bình, bản Giảng, xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) có 7 con trâu, bò. Ngay từ khi thu hoạch lúa mùa, ông Bình đã chủ động dự trữ rơm, trồng thêm cỏ voi, chuối làm thức ăn cho trâu, bò vào mùa đông. Chuồng trại vệ sinh sạch sẽ và quây bạt cẩn thận. Ông Bình chia sẻ: Đàn trâu, đàn bò là tài sản lớn của gia đình. Những năm trước nhiều hộ gia đình trong bản đã có bê, nghé bị chết do thời tiết khắc nghiệt, rét đậm, rét hại. Hiện nay, nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật từ cán bộ thú y xã, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (ti vi, báo…); gia đình tôi không thả rông trâu bò mà nuôi nhốt trong chuồng và chuẩn bị thức ăn thô, tinh đầy đủ.

Không riêng gia đình ông Bình, hiện nay người dân trên địa bàn huyện Mường Ảng đã chủ động bảo vệ đàn vật nuôi trước khi mùa đông đến, như tích trữ thức ăn thô (rơm rạ, cỏ khô, cây ngô ủ, cây chuối) thức ăn tinh (cám ngô, cám gạo, bột sắn…).

Xác định chăn nuôi là một trong những ngành mũi nhọn, giúp xóa đói giảm nghèo trên địa bàn, thời gian qua UBND huyện Mường Ảng đã có nhiều chỉ đạo nhằm duy trì, phát triển đàn gia súc, gia cầm. Đặc biệt, cơ quan chức năng đã xây dựng kế hoạch phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Nhờ đó đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt; tổng đàn gia súc đạt trên 42.000 con, đàn gia cầm đạt trên 258.000 con; tốc độ tăng đàn gia súc đạt trên 2%/năm, tốc độ tăng đàn gia cầm đạt trên 6%/năm.

Ông Kiều Xuân Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết: Phòng đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn chỉ đạo các xã, thị trấn, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi ngay từ đầu mùa. Cụ thể, đối với trâu, bò chủ động làm chuồng trại, gia cố, che chắn chuồng trại đảm bảo chuồng trại đủ ấm, không để gió lùa, nền chuồng khô ráo, giữ ấm không để vật nuôi bị lạnh vào ban đêm nhưng vẫn đảm bảo thông thoáng, giảm thiểu sự tích tụ khí độc phát sinh trong quá trình chăn nuôi. Dự trữ chất đốt (củi, trấu, mùn cưa) để đốt, sưởi cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại. Dự trữ thức ăn, nhất là rơm rạ, cỏ khô; chế biến thức ăn ủ chua, rơm ủ urê; tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp (thân ngô, cây lạc, đậu tương, ngọn mía...) làm thức ăn cho trâu, bò. Chuẩn bị thức ăn tinh (bột ngô, sắn, cám gạo), khoáng, vitamin để cung cấp đủ cho gia súc trong những ngày giá rét.

Phòng khuyến cáo nhân dân thường xuyên theo dõi bảng tin dự báo thời tiết để có kế hoạch chăn thả hợp lý. Những ngày rét đậm, rét hại dưới 120C, không chăn thả và bắt gia súc làm việc; cung cấp đầy đủ thức ăn thô xanh cho trâu, bò với định mức bằng 10% trọng lượng cơ thể. Cụ thể như, trâu nặng 300kg, một ngày cho ăn 30kg cỏ xanh, đồng thời bổ sung 0,5 - 1kg thức ăn tinh/con/ngày. Cần đun nước ấm cho trâu bò uống, bổ sung muối ăn với định lượng 5gam/100kg trọng lượng cơ thể; cho thức ăn xanh ủ chua, như ủ chua cỏ voi, VA06, thân cây ngô... với lượng 7 - 10kg/ngày, kết hợp ăn thêm cỏ xanh, rơm khô. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho trâu, bò theo quy định như: Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng...

Đối với gia cầm, cần chuẩn bị đầy đủ phên, bạt để che chắn, chống gió lùa; bổ sung thêm bóng điện sợi đốt (bóng tròn), bóng hồng ngoại để sưởi ấm cho gia cầm trong những ngày rét đậm, rét hại. Không thả gia cầm ra vườn, đồi trong những ngày rét đậm. Mật độ nuôi hợp lý đối với gà đẻ 6 - 8 con/m2; gà thịt 8 - 10 con/m2. Đảm bảo thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với từng lứa tuổi của gà, cho uống đủ nước sạch, ấm và bổ sung thêm đường gluco, các loại vitamin tổng hợp, men tiêu hóa để nâng cao khả năng chống bệnh cho gà. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và định kỳ phun thuốc khử trùng, tiêu độc bằng các loại hóa chất như: Virkon, Han-Iodine, Benkocid, vôi bột...

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top