Tạo điều kiện để người nghèo vươn lên

09:48 - Thứ Tư, 28/12/2022 Lượt xem: 3604 In bài viết

ĐBP - Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua Điện Biên đã nỗ lực triển khai các giải pháp giảm nghèo đồng bộ. Các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân; tăng cường quản lý Nhà nước, chỉ đạo công tác điều tra, rà soát hộ nghèo; triển khai đồng bộ các dự án; xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững để nhân rộng; tăng cường tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ theo dõi, thực hiện công tác giảm nghèo.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tủa Chùa kiểm tra mô hình phát triển kinh tế đối với hộ dân vay vốn trên địa bàn huyện.

Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vịt bầu địa phương thực hiện trong năm 2021 - 2022 trên địa bàn xã Mường Đun (huyện Tủa Chùa) là một trong những mô hình giảm nghèo mang lại hiệu quả cao. Gia đình chị Lò Thị Chới, thôn Mường Đun (xã Mường Đun) tham gia dự án với 80 con vịt giống. Sau gần 3 tháng nuôi, đàn vịt đạt trọng lượng trung bình 2,7kg/con và được Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Đun thu mua theo cam kết. Thị trường tiêu thụ sản phẩm khá rộng, với giá bán từ 90.000 - 100.000 đồng/kg, sau khi kết thúc dự án, gia đình chị Chới đã tiếp tục nhân rộng mô hình với quy mô gần 200 con, đồng thời giới thiệu và vận động các hộ dân trong thôn cùng nuôi giống vịt bầu bản địa.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa, mô hình đã phát huy lợi thế địa phương, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có phát triển chăn nuôi, cung cấp sản phẩm có chất lượng, giúp tăng thu nhập cho hộ dân trung bình thêm 1,2 triệu đồng/hộ/tháng. Đặc biệt, sản phẩm được Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Đun tiêu thụ ổn định. Dự án đã góp phần thay đổi phương thức chăn nuôi, áp dụng kỹ thuật phòng trị bệnh trong chăn nuôi, thúc đẩy tăng quy mô mở rộng đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất. Cùng với dự án nuôi vịt bầu, trong năm 2022, huyện Tủa Chùa đã triển khai 5 dự án hỗ trợ cho 192 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Bên cạnh đó, huyện bố trí hơn 3,3 tỷ đồng cho UBND các xã, thị trấn để thực hiện hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, huyện Mường Ảng đã chú trọng hỗ trợ sinh kế cho người dân theo hướng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình địa phương, phong tục tập quán sản xuất, chăn nuôi của người dân. Theo ông Tạ Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng: Giai đoạn 2016 - 2020, huyện chú trọng hỗ trợ các loại giống cây trồng, cây ăn quả. Giai đoạn 2021 - 2025, huyện xác định tập trung hỗ trợ người dân các loại giống vật nuôi (chủ yếu trâu, bò) và thủy sản. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, huyện chỉ đạo các xã không nhập giống trâu, bò từ các địa phương khác vào địa bàn, mà khuyến khích mua con giống trên địa bàn huyện, vừa đảm bảo chất lượng con giống phù hợp với khí hậu địa phương, kiểm soát dịch bệnh, vừa để tạo nguồn vốn phát triển cho người dân trên địa bàn.

Cùng với đó, những năm qua huyện Mường Ảng chú trọng tạo điều kiện hỗ trợ người dân chính sách về vay vốn thông qua các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Nhiều hộ dân đã tiếp cận được với các chương trình, chính sách, vươn lên thoát nghèo. Đến nay toàn huyện có trên 5.500 hộ gia đình thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 38,06% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025, bình quân mỗi năm giảm 5%; giúp trên 1.700 hộ nghèo có nhà ở ổn định; 2.800 hộ gia đình dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn không lãi suất và lãi suất thấp để phát triển sản xuất; trên 2.100 hộ gia đình được sử dụng nước sạch và công trình vệ sinh đảm bảo trong sinh hoạt; trên 5.900 lượt hộ vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn...

Cũng như Tủa Chùa, Mường Ảng, các địa phương khác trong tỉnh cũng đề ra các chương trình, kế hoạch sát với tình hình thực tế từng giai đoạn. Đồng thời rà soát, đánh giá, phân loại nguyên nhân dẫn đến nghèo của từng hộ để có biện pháp hỗ trợ hiệu quả. Chỉ tính riêng Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức gần 50 lớp đào tạo nghề cho hơn 1.000 lao động; tổ chức 5 cuộc đối thoại về chính sách giảm nghèo; phát hơn 20.300 tờ rơi tuyên truyền về các chính sách giảm nghèo. Các sở, ngành, địa phương cũng đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 354 cán bộ làm công tác giảm nghèo. Nhờ đó, nhận thức của cán bộ và người dân về công tác giảm nghèo bền vững đã có chuyển biến rõ rệt; mục tiêu giảm nghèo trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Ước đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 30,58% (giảm 4.185 hộ nghèo tương đương 4,32% so với năm 2021). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn 44,61% (giảm 6,04%).

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top