Đến cuối năm 2025, Kho bạc Nhà nước không còn giao dịch chi bằng tiền mặt

15:25 - Thứ Tư, 28/12/2022 Lượt xem: 3603 In bài viết

Kho bạc Nhà nước phấn đấu đến cuối năm 2025, không còn giao dịch chi bằng tiền mặt và giảm đến mức tối thiểu các giao dịch thu bằng tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Kho bạc Nhà nước) Lê Văn Khoa thông tin tại buổi họp báo.

Thông tin trên được Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Kho bạc Nhà nước) Lê Văn Khoa cho biết tại buổi họp báo về kết quả công tác trọng tâm năm 2022 của hệ thống Kho bạc Nhà nước diễn ra chiều 27-12.

Theo ông Lê Văn Khoa, tính đến hết ngày 20-12-2022, lũy kế thu ngân sách nhà nước trong cân đối đạt 1.727.511 tỷ đồng, bằng 122,37% so với dự toán năm 2022 được giao. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 121,48% so với dự toán; thu ngân sách địa pphương đạt 123,35% so với dự toán.

Về kiểm soát chi ngân sách nhà nước, đối với chi thường xuyên, cũng tính đến thời điểm trên, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát đạt 895.195 tỷ đồng, bằng 80,5% dự toán chi thường xuyên năm 2022 của ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng; đối với dự toán chi thường xuyên năm 2022 của ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước đã bao gồm cải cách tiền lương và tinh giảm biên chế và dự toán từ năm trước chuyển sang là 1.112.194 tỷ đồng).

Thông qua công tác kiểm soát chi thường xuyên ngân sách nhà nước, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện 908.614 khoản chi chưa đủ điều kiện thanh toán theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết. Số thực từ chối thanh toán là 4.207 món, tương đương với 451 tỷ đồng.

Đối với chi đầu tư, cũng tính đến thời điểm trên, lũy kế vốn đầu tư công năm 2022 kiểm soát, thanh toán qua Kho bạc Nhà nước là 403.160,6 tỷ đồng, bằng 67,9% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao, kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước; bằng 60,9% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch vốn 2022 Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao, kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước.

Thông qua công tác kiểm soát chi đầu tư, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện 90.932 khoản chi chưa đủ điều kiện thanh toán theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết. Số thực từ chối thanh toán là 934 món, tương đương với 60,1 tỷ đồng.

Kho bạc Nhà nước duy trì cung cấp 100% thủ tục qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc đã tham gia dịch vụ công trực tuyến (khoảng 97.000 đơn vị); hoạt động giao dịch với Kho bạc Nhà nước 24/7, số lượng chứng từ chi ngân sách nhà nước phát sinh hàng tháng đạt trên 99%, lượng giao dịch trung bình mỗi ngày từ 100.000 đến 150.000 giao dịch. Việc áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến đã giúp các đơn vị sử dụng ngân sách tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, đặc biệt là ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn.

Đáng chú ý, theo ông Lê Văn Khoa, năm 2022, Kho bạc Nhà nước tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm cải cách, hiện đại hóa phương thức thu ngân sách nhà nước. Kho bạc Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1953/QĐ-Kho bạc Nhà nước ngày 29-4-2022 phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống Kho bạc Nhà nước đến năm 2025.

Trả lời báo chí sâu hơn về đề án này, đại diện Kho bạc Nhà nước cho biết, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống Kho bạc Nhà nước đến năm 2025 có 7 nhóm nhiệm vụ với 21 nhiệm vụ chi tiết, cụ thể, trong đó 5 nhiệm vụ được triển khai ngay từ năm 2022. Năm 2022, việc thực hiện đề án bước đầu đạt được một số kết quả như: Hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cấp dịch vụ công trực tuyến bảo đảm hoạt động an toàn hiện quả, đẩy mạnh thu chi qua kho bạc bằng hình thức không dùng tiền mặt. Số chi ngân sách nhà nước bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước trong năm 2022 chỉ còn chiếm 0,36% trong tổng chi, giảm 0,27% so với năm 2021; số thu ngân sách bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước cũng ở mức thấp, giảm 0,17% so với năm 2021.

Đề án này giúp tiết kiệm chí phí và thời gian; bảo đảm an toàn, chính xác và giảm thiểu rủi ro trong quản lý; chủ động hơn trong khâu thanh toán. Đây là xu thế góp phần chuyển đổi số thành công bởi Kho bạc Nhà nước hướng đến năm 2030 hình thành kho bạc số, hoàn thiện mô hình kho bạc 3 không (không giao dịch bằng tiền mặt, không khách hàng đến giao dịch và không chứng từ giấy).

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top