Tận dụng tối đa dư địa tăng trưởng, phát triển kinh tế năm 2023

07:16 - Chủ Nhật, 01/01/2023 Lượt xem: 3186 In bài viết

ĐBP - Năm 2022, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và thách thức song kinh tế Điện Biên tiếp tục phục hồi, phát triển với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,19% là mức tăng trưởng cao nhất của tỉnh trong nhiều năm trở lại đây; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng. Năm 2023 tỉnh ta tiếp tục đề ra mục tiêu tăng trưởng trên 10%. Đây được xem là mục tiêu đầy thách thức song phát huy những thành quả đạt được trong năm vừa qua, tỉnh ta hoàn toàn tin tưởng có thể hoàn thành thắng lợi kế hoạch.

Công nhân Công ty Xây dựng tư nhân Vĩnh Oanh thi công tuyến đường trung tâm xã Mường Đun - bản Hột (huyện Tủa Chùa).

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn là chỉ số đóng vai trò quan trọng. Năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 1.559 tỷ đồng (tăng hơn 300 tỷ đồng so với năm 2021). Năm 2023, tỉnh ta đặt mục tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 2.440 tỷ đồng. Đánh giá mục tiêu này, nhiều ý kiến băn khoăn: Năm 2022 là một năm đột phá của tỉnh Điện Biên với nhiều chương trình, dự án trọng điểm được triển khai mà thu ngân sách của tỉnh mới vượt năm trước 300 tỷ đồng. Trong khi đó, mục tiêu thu ngân sách năm 2023 vượt năm 2022 là 881 tỷ đồng liệu có quá sức với tình hình thực tế của tỉnh? Câu trả lời là: Không!

Năm 2023, tỉnh ta có hàng loạt dự án trọng điểm triển khai thi công, như: Dự án đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc quốc lộ 279 và quốc lộ 12; Dự án quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên; Dự án hồ chứa Huổi Trạng Tai (huyện Điện Biên)... Những dự án này đều có tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để cụ thể hóa các chủ trương kêu gọi, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nhất là TP. Điện Biên Phủ. Năm 2022, trong tổng số 13 dự án dự kiến đầu tư mới chỉ có 1 dự án hoàn thành đấu giá, nộp ngân sách Nhà nước và khởi công xây dựng; 1 dự án đã tổ chức lựa chọn được nhà đầu tư, đang hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng; 1 dự án đã tổ chức đấu giá đất, lựa chọn nhà thầu thành công; 1 dự án đang hoàn thiện thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, dự kiến đấu giá trong tháng 12/2022. Bước sang năm 2023, dư địa phát triển trong lĩnh vực này còn rất lớn. Toàn tỉnh có 2 dự án đang hoàn thiện các thủ tục liên quan để đấu giá đất; 1 dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; 4 dự án đang quá trong trình tập trung giải phóng mặt bằng, dự kiến tổ chức đấu giá trong quý I/2023; 1 dự án đã phê duyệt đồ án quy hoạch; 1 dự án đang hoàn thiện thẩm định trình phê duyệt quy hoạch chi tiết làm cơ sở hoàn thiện các thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất và lựa chọn nhà đầu tư. Đây là những dự án đầu tư phát triển đô thị tạo nguồn thu từ đất, giai đoạn ngắn hạn năm 2022 - 2023.

Bên cạnh đó, 100% chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công năm 2023, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia đều đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư. Dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh tăng 30,12% so với kế hoạch vốn năm 2022.

Ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Năm 2023 là năm quan trọng của giai đoạn đầu tư công 2021 - 2025. Do đó, ngay từ đầu năm các chủ đầu tư phải quyết liệt triển khai thực hiện các dự án, công trình đảm bảo tiến độ thi công, tiến độ giải ngân. Đồng thời, UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư; tạo hành lang pháp lý thông thoáng khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, nhất là phát triển và nhân rộng các mô hình hợp tác xã điển hình, kiểu mới. Tăng cường huy động nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, đảm bảo tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt 20.141,09 tỷ đồng, tăng trên 2.590 tỷ đồng so với năm 2022. Đây là những nguồn lực giúp tăng trưởng kinh tế của tỉnh ta đạt mục tiêu đề ra.

Năm 2022, khu vực kinh tế công nghiệp - xây dựng đạt nhiều kết quả nổi bật, chiếm tỷ trọng 21,25% trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Năm 2023, phát huy kết quả đạt được, khu vực kinh tế này được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của toàn tỉnh.

Ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Năm 2023, song song với việc duy trì hoạt động khai thác ổn định, hiệu quả các nhà máy thủy điện đã đưa vào vận hành, Sở Công Thương tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhà máy thủy điện: Mường Luân 2, Phi Lĩnh, Mường Mươn, Đề Bâu, Mường Tùng và các dự án khởi công xây dựng mới trong năm; hoàn thành các thủ tục, dự án đầu tư để khởi công các nhà máy thủy điện đã được cấp chủ trương đầu tư. Hướng dẫn, đồng hành cùng các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng để khảo sát, nghiên cứu phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh như: Điện gió, điện tích năng, điện sinh khối… Đồng thời, tập trung thực hiện, phấn đấu khởi công xây dựng tuyến đường dây 110kv Lai Châu - Nậm Pồ.

Khu vực kinh tế nông - lâm nghiệp và thủy sản cũng rất được kỳ vọng có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023. Ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, phát triển toàn diện sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, gắn với tiềm năng lợi thế và ứng dụng công nghệ cao, trong đó nòng cốt là thực hiện 3 đề án: Phát triển cây ăn quả lợi thế, đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung bền vững trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trồng mắc ca; thu hút doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư phát triển trồng rừng sản xuất, rừng trồng gỗ lớn theo hướng tập trung, tạo vùng nguyên liệu để thu hút doanh nghiệp chế biến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ tại huyện Mường Ảng, Tuần Giáo.

Để đưa nền kinh tế tỉnh nhà tiếp tục phát triển bứt phá từ nền tảng là những kết quả tích cực của năm 2022, UBND tỉnh đã đề ra 16 nhóm chỉ tiêu cụ thể, 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Kỳ vọng rằng, năm 2023 với sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, linh hoạt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đoàn kết, quyết tâm của nhân dân các dân tộc và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh ta sẽ hoàn thành và vượt mức các mục tiêu kinh tế đề ra, hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top