Giá rau xanh tăng cao

19:04 - Thứ Hai, 02/01/2023 Lượt xem: 3828 In bài viết

ĐBP - Trong khi các mặt hàng thịt, cá cơ bản ổn định thì giá các loại rau, củ quả trên địa bàn tỉnh, từ vùng sản xuất đến các chợ dân sinh lại đang tăng cao từng ngày. Hầu hết các loại rau, củ quả đều tăng giá gấp 3 - 4 lần, thậm chí có những loại rau tăng gấp 8 lần so với thời điểm cách đây khoảng 2 tuần.

Hiện nay, giá rau, củ quả tăng cao ngay tại vùng sản xuất. Trong ảnh: Người dân xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) thu hoạch rau thơm.

Khảo sát tại một số chợ truyền thống trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, như chợ Mường Thanh, chợ Trung tâm 1, chợ Trung tâm 3… cho thấy mặc dù đang vào chính vụ đông, song giá hầu hết các loại rau, củ quả đều tăng cao. Rau cải canh từ mức 8.000 - 10.000 đồng/kg tăng lên 28.000 đồng/kg; cải ngồng, cải cúc tăng từ 15.000 đồng/kg lên 35.000 đồng/kg; rau muống từ 2.000 đồng/bó tăng lên 7.000 - 8.000 đồng/bó. Các loại rau gia vị như: mùi, húng, tía tô, ngổ, hành, răm đã tăng giá gấp 3 - 5 lần so với cách đây vài tuần, đặc biệt hành lá hiện nay có giá dao động khoảng 90.000 đồng/kg. Các loại củ, quả cũng tăng đột biến, như: su su và cà chua tăng từ 10.000 đồng/kg lên mức 20.000 đồng/kg; su hào từ 12.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg, đậu xanh 30.000 đồng/kg; cà rốt 25.000 đồng/kg…

Giá các loại rau, củ quả không chỉ tăng cao ở các chợ dân sinh, mà tại các siêu thị, cửa hàng rau xanh, các loại rau củ, quả cũng đang “neo” ở mức cao nhất trong những năm gần đây. Trong khi đó giá thịt lợn thì chững hơn, chỉ ở mức giá từ 100.000 - 130.000 đồng tùy loại; các loại cá chỉ từ 35.000 - 70.000 đồng/kg (giá bán tại các chợ). Giá các loại rau xanh đắt đỏ đã khiến không ít người dân gặp khó khăn trong việc lựa chọn thực phẩm hằng ngày.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, phường Noong Bua (TP. Điện Biên Phủ) cho biết: Cách đây khoảng 10 ngày trước tôi mua su hào với giá 12.000 đồng/kg, bây giờ đã tăng lên 25.000 đồng/kg, loại củ nhỏ, thậm chí còn bị dập. Còn rau bắp cải cũng tăng lên 15.000 - 20.000 đồng/kg, rau muống có giá 8.000 đồng/bó. Chỉ riêng mua rau xanh cũng khiến mức chi tiêu của gia đình tôi đội lên 30% dù tôi đã cắt giảm số lượng. Bữa ăn có thể thay thịt bằng cá, đậu, lạc, nhưng không thể thiếu rau.

Với người lao động, người nghèo rau xanh thường “độn” thay cho thịt, cá thì nay “xanh mặt” với giá rau. Chị Nguyễn Thị Dung, người dân phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ) chia sẻ: Chưa năm nào, kể cả đợt dịch Covid-19 khan hiếm hàng nhưng rau xanh cũng không đắt như thời điểm này. Một tuần nay, tôi đi chợ thấy giá rau tăng từng ngày. Mỗi lần đi chợ, số tiền bỏ ra mua rau xanh đã tăng gấp đôi, gấp ba lần so với trước đây. Nếu như ngày thường, nhà tôi có 5 người mua hết khoảng 30.000 đồng tiền rau nhưng nay mỗi ngày đi chợ tôi phải chi khoảng 60.000 nghìn. Tiền mua rau xanh ăn trong ngày của gia đình bây giờ tính ra ngang với chi phí mua thịt lợn. Những lao động như chúng tôi thu nhập không cao, mà giá cả nhiều mặt hàng cứ tăng đều nên mỗi lần đi chợ, tôi phải tính toán kỹ hơn để tiết kiệm chi phí.

Theo các tiểu thương, nguyên nhân rau, củ quả tăng giá là do các vùng sản xuất rau ở một số tỉnh thành phố dưới xuôi gặp mưa lớn trong nhiều ngày khiến rau hư hại, dẫn đến nguồn cung giảm mạnh, không đủ cung cấp. Trong khi đó, các vựa rau trên địa bàn tỉnh không đủ cung cấp thị trường trong tỉnh; hơn thế ở thời điểm hiện tại, nhiều vườn rau vụ đông trên địa bàn tỉnh chưa đến thời gian thu hoạch khiến nguồn cung ứng ra thị trường giảm. Vì vậy, giá các loại rau, củ quả nhập vào tăng theo từng ngày, nhưng vẫn không có để nhập; so với 2 tuần trước đến giờ giá các loại rau đã tăng lên 50%, do giá nhập cao nên người bán cũng phải bán giá cao hơn.

Giá bán không chỉ cao ngoài chợ, mà ngay tại các vùng sản xuất rau, giá cũng đang tăng lên từng ngày. Được biết, phần nào nguyên nhân khiến giá rau xanh tăng cao 10 ngày gần đây là do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài. Nhiệt độ xuống quá thấp khiến rau màu phát triển chậm, thậm chí bị chết rụi. Một số loại rau xanh bị sâu bệnh phá hoại, cà chua thì không chín được... dẫn đến khan hàng. Hơn nữa, thời gian sinh trưởng của rau bị kéo dài, công chăm sóc, tưới bón cho rau đội lên nhiều nên hộ trồng rau tự tăng giá bán nhằm bảo đảm có lãi. Bên cạnh đó, một số loại rau vụ hè thu sắp hết mùa như rau muống, mùng tơi, rau dền cũng giảm sản lượng, trong khi các loại rau vụ đông mới bắt đầu gieo trồng chưa kịp lớn.

Chị Trần Thị Thủy, xã viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng (huyện Tủa Chùa) cho biết: Tôi tham gia dự án liên kết sản xuất các loại rau, củ quả với diện tích trên 1.700m2. Tuy nhiên, những ngày qua không đủ rau để cung cấp ra thị trường do vừa qua trời rét đậm, tốc độ sinh trưởng, phát triển rau chậm hơn; một số diện tích rau bị hư hỏng, chết do không được chăm sóc cẩn thận. Vì vậy, giá nhập cho các tiểu thương cũng phải tăng cao hơn so với trước đây.

Việc rau, củ quả tăng giá cao đã gây khó khăn cho người tiêu dùng vì phải cân đối chi tiêu cho bữa ăn hàng ngày. Từ nay đến tết Nguyên đán 2023, giá các loại rau, củ quả phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu thời tiết nắng ấm lên thì việc gieo trồng thuận lợi, giúp gia tăng năng suất, giảm giá thành; nhưng nếu tiếp tục rét đậm, rau xanh chậm phát triển, năng suất giảm thì giá bán vẫn còn khả năng tăng cao. Rau, củ quả là mặt hàng không có trong danh mục quản lý giá của nhà nước, vì vậy giá cả do thị trường quyết định. Tuy nhiên, để bảo đảm cho người tiêu dùng được mua rau với giá ổn định, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần kiểm soát thị trường giá cả, tránh tình trạng tiểu thương lợi dụng trời rét để tăng giá, khiến người tiêu dùng chịu thiệt.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top