Tuần Giáo khắc phục hạn chế trong phát triển cây ăn quả

06:33 - Thứ Sáu, 06/01/2023 Lượt xem: 4361 In bài viết

ĐBP - Vườn cây ăn quả chậm phát triển, sâu bệnh, bỏ không chăm sóc, bị che kín bởi ngô, sắn... là thực trạng của nhiều diện tích cây ăn quả, chủ yếu là cây xoài, trên địa bàn huyện Tuần Giáo trong năm qua. Trước tình hình đó, Tuần Giáo đã vào cuộc tìm cách khắc phục để thay đổi nhận thức, cách làm của người dân, và đón vụ quả mới với nhiều mong đợi.

Cán bộ xã Quài Cang hỗ trợ người dân bản Cuông chăm sóc cây ăn quả.

Vườn xoài thành vườn sắn

Tháng 11 vừa qua, không ít vườn xoài trên địa bàn huyện Tuần Giáo vào mùa thu hoạch... sắn. Năm 2022, xoài mất mùa do thời tiết, không có quả, nhiều hộ dân tiếc đất, trồng xen canh các loại cây ngắn ngày như: ngô, sắn, cỏ voi... Cây sắn tỏa kín, che lấp những gốc xoài 3 - 4 năm tuổi. Không chỉ vậy, những người làm nông nghiệp khuyến cáo trồng sắn xen canh khiến đất bạc màu, mất chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây ăn quả.

Tại xã Quài Nưa có 12ha xoài trồng từ năm 2018, 2019 theo dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả, chủ yếu tại khu vực 2 bản Pha Làng và Chan (với 38 hộ). Năm 2021, xoài cho thu hoạch với sản lượng 2,9 tấn, chất lượng được đánh giá tốt. Ông Lò Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trong số các gia đình liên kết trồng xoài, gần một nửa số hộ hiện có lao động chính đi làm thuê ngoại tỉnh, chỉ còn bố mẹ già hoặc vợ con nhỏ ở nhà nên việc chăm sóc vườn cây còn hạn chế, ít quan tâm. Xã đã nhiều lần tuyên truyền người dân, hướng dẫn chăm bón nhưng không có kết quả. Nhất là năm qua (2022) xoài không có quả, người dân thấy đất rộng bỏ không thì tiếc nên trồng xen sắn”.

Anh Cà Văn Dũng, bản Chan có 1ha xoài, năm 2021 đã thu vụ đầu gần 1 tấn, bán được 7 triệu đồng. Năm nay cũng với diện tích này nhưng gia đình anh trông mong vào thu hoạch sắn. “Năm 2022, xoài không đậu quả nên từ tháng 3, gia đình tôi trồng xen sắn để kiếm thêm thu nhập và thức ăn chăn nuôi” - anh Dũng chia sẻ.

Còn tại xã Pú Nhung có hơn 100ha cây ăn quả, trong đó xoài chiếm trên 50ha cũng chung tình trạng trên. Ông Vừ A Dính, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã có nhiều hộ dân đi làm ăn xa, khoảng 20 - 30% vườn cây chưa được chăm sóc tốt. Nhiều cây bị sâu bệnh, sâu ăn ngọn, lá, chậm phát triển. Năm vừa rồi xoài không có quả, hiệu quả kinh tế chưa cao nên có tình trạng người dân không quan tâm chăm sóc và trồng xen nhiều loại cây khác nhau, có cây không phù hợp”.

Thực tế ấy đòi hỏi đơn vị chức năng huyện Tuần Giáo vào cuộc thay đổi tư duy sản xuất, cách thức canh tác, phát triển cây ăn quả cho người dân.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Từ năm 2017 đến nay, Tuần Giáo phát triển hơn 435ha cây ăn quả các loại, trong đó một nửa diện tích là xoài Đài Loan, gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện. Ông Lê Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Những diện tích xoài trồng năm 2018, 2019 của người dân đã cho thu hoạch, được đánh giá tốt. Nhưng đến nay nhiều hộ dân vẫn chưa quan tâm phát triển vườn cây, chưa thực sự coi vườn cây là của mình, có nguy cơ bỏ không chăm sóc và còn tình trạng người dân lấy phân bón được cấp theo dự án liên kết để sử dụng vào mục đích khác. Vì vậy sau khi đi kiểm tra tại các xã, chúng tôi đã huy động cả hệ thống chính trị các cấp từ huyện đến thôn, bản cùng vào cuộc ngay, vực lại vườn cây, để vụ tới này có quả. Làm cho người dân thấy được lợi ích của phát triển cây ăn quả, từ đó quan tâm chăm sóc diện tích cây của chính gia đình mình”.

Cách làm của huyện Tuần Giáo là ra quân chăm sóc để tạo sự lan tỏa đến người dân. Các đoàn thể, lực lượng thanh niên, phụ nữ, nông dân, dân quân tự vệ phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và UBND các xã làm điểm hướng dẫn, chăm sóc vườn cây. Hội viên các đoàn thể là chủ vườn chính là đối tượng tham gia, cũng là đối tượng được tận tình chỉ dẫn, hỗ trợ chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho diện tích cây của gia đình mình. Không chỉ vậy, tại mỗi xã, chính quyền và các lực lượng chọn 1 vườn cây, trong đó xã hội hóa làm mẫu một góc vườn (5 cây) bằng cách hỗ trợ vật tư, kỹ thuật chăm sóc, để người dân thấy được sự khác biệt trong sinh trưởng, phát triển và cho thu quả. Từ đó tạo chuyển biến về nhận thức và hành động cho người dân, lan tỏa phong trào chăm bón, phát triển cây ăn quả. Buổi ra quân đầu tiên đã được tổ chức tại xã Quài Nưa vào giữa tháng 11, với sự tham gia của các đoàn thể và đại diện các xã. Sau đó đồng loạt tổ chức tại các địa bàn. Đến nay, 100% xã trong toàn huyện đã triển khai chăm sóc vườn cây ăn quả.

Tại xã Pú Nhung, buổi ra quân làm điểm được tổ chức tại 1 vườn xoài bản Chua Lú. Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn người dân chăm sóc, tỉa cành... Không chỉ có các chủ vườn trong bản mà các bí thư, trưởng bản khác có phát triển cây ăn quả trong xã đều tham dự đông đủ. Sau đó, 50 gia đình trồng xoài trong toàn xã được chia làm 10 nhóm hộ, được cán bộ huyện, xã hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, hỗ trợ nhân lực. Ông Vừ A Dính, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: “Sau đợt ra quân, hầu hết hộ dân trồng cây ăn quả trong xã đã tiến hành phát cỏ, vun xới, chăm bón. Xã và các đoàn thể tiếp tục tuyên truyền, vận động, chỉ đạo một số hộ còn lại chăm bón vườn cây để vụ quả tới này có thu hoạch tốt”.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top