Sôi động thị trường tết

08:24 - Thứ Bảy, 07/01/2023 Lượt xem: 6547 In bài viết

ĐBP - Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Thời điểm này các cơ sở kinh doanh, siêu thị, trung tâm thương mại đã chủ động sản xuất, dự trữ nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người tiêu dùng. Lực lượng chức năng cũng đồng loạt ra quân nhằm bình ổn thị trường, giá cả hàng hóa và chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp tết.

Người dân TP. Điện Biên Phủ xem, chọn quất cảnh trang trí dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.

Các mặt hàng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, bánh kẹo, đường, sữa, muối ăn, dầu ăn... khá phong phú, chất lượng đảm bảo. Trong điều kiện dịch Covid-19 đã được kiểm soát, việc lưu thông hàng hóa diễn ra thông suốt năm vừa qua, lượng hàng hóa kinh doanh ở các chợ, siêu thị tại địa bàn TP. Điện Biên Phủ, trung tâm huyện và các chợ xã đều đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Từ đầu tháng 12, Siêu thị Hoa Ba (TP. Điện Biên Phủ) đã bắt đầu nhập hàng, tích trữ hàng hóa phục vụ người dân dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán. Ông Phạm Bá Duy, kế toán trưởng Siêu thị Hoa Ba cho biết: Cuối năm luôn là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, đặc biệt là trong dịp tết Nguyên đán. Từ đầu tháng 12, Siêu thị ghi nhận lượng người mua sắm nhộn nhịp so với tháng trước. Khách hàng chủ yếu mua hàng hóa, giỏ quà Tết biếu tặng. Để chuẩn bị cho Tết Quý Mão 2023, Siêu thị Hoa Ba đã lên kế hoạch cung ứng hàng hóa với sản lượng tăng 5 - 10% so với các tháng bình thường trong năm và so với cùng kỳ tết 2022. Cụ thể, đối với ngành hàng thực phẩm tươi sống, siêu thị chú trọng vào các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết như rau củ quả, thịt... Nguồn cung các mặt hàng này tăng 5 - 7% so với cùng kỳ. Đối với ngành hàng tiêu dùng, mặt hàng chủ đạo không thể thiếu trong dịp tết là bánh kẹo, đồ uống được chuẩn bị tăng 15 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến thời điểm này, lượng người mua đã tăng từ 20 - 30% so với tháng trước và dự báo sẽ tăng đột biến trong những ngày cuối tháng. Bên cạnh những khách hàng cá nhân, hộ gia đình, hiện nay Siêu thị Hoa Ba đã nhận cung cấp hàng hóa tết cho khoảng 60 đơn vị là các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Đối với giá cả hàng hóa, năm nay nhìn chung các ngành hàng đều tăng giá so với những tháng bình thường song mức tăng không cao, bình quân khoảng 1.000 - 1.500 đồng/sản phẩm.

Tương tự, tại các xã vùng ngoài, các huyện vùng cao, các cơ sở kinh doanh hàng hóa tiêu dùng cũng đã tích trữ hàng hóa tết.

Do lo ngại thời điểm giáp tết Nguyên đán các đơn vị phân phối khan hiếm hàng hóa, từ đầu tháng 11/2022, cửa hàng bách hóa tổng hợp Thanh Luông, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) đã bắt đầu nhập hàng với số lượng lớn để tích trữ phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp tết.

Anh Vũ Văn Ngọc, chủ cửa hàng bách hóa tổng hợp Thanh Luông cho biết: Dịp tết Nguyên đán cửa hàng tập trung buôn bán các mặt hàng thiết yếu như: Bánh kẹo, giỏ quà tết, nước giải khát các loại... Hiện nay, lượng hàng hóa đã cơ bản đầy đủ phục vụ người tiêu dùng trong dịp tết. Thị trường ở xã phản ứng chậm hơn các thị trường lớn như: TP. Điện Biên Phủ và trung tâm các huyện, thị xã. Thời điểm này, cửa hàng chủ yếu phân phối hàng cho hơn 20 cửa hàng tạp hóa bán lẻ trên địa bàn xã. Còn sức mua của người dân vẫn cầm chừng như những tháng bình thường, phải từ thời điểm ngày 20 tháng Chạp đến tết, sức mua mới tăng mạnh.

Nhằm bình ổn thị trường, giá cả hàng hóa và chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lực lượng quản lý thị trường đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc... Đồng thời tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát, thống kê các tổ chức, cá nhân kinh doanh nhằm thu thập thông tin, nắm bắt tình hình diễn biến thị trường, giá cả, cung cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, tình hình thị trường trong tỉnh dịp giáp tết ổn định và nhộn nhịp hơn so với các tháng trước. Sức mua sắm của người dân bắt đầu tăng vào 2 tuần trước tết và tăng nhanh vào những ngày giáp tết. Một số mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp tết Nguyên đán như lương thực (gạo tẻ, gạo nếp, đỗ xanh...), thực phẩm tươi sống (gà ta, gà trống thiến, thịt lợn, thịt bò) và bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, các loại đồ uống đóng hộp...

Song song với các ngành hàng thiết yếu, thị trường cây cảnh, đồ trang trí tết cũng bắt đầu sôi động, nhất là tại trung tâm TP. Điện Biên Phủ và trung tâm các huyện. Các cửa hàng bán phong lan đã lên hàng; người buôn đào cũng vận chuyển xuống phố; cây quất cảnh phục vụ tết đã bắt đầu tràn vào thị trường tỉnh Điện Biên. Anh Nguyễn Văn Lợi, chủ gian hàng bán quất cảnh cho biết: Từ tháng 11/2022, chúng tôi đã đến các làng quất ở Hưng Yên, Thái Bình... lựa chọn và hợp đồng với các chủ vườn. Dự kiến ngày 17/12 âm lịch, xe chở quất sẽ cập bến TP. Điện Biên Phủ.

Vào dịp tết Nguyên đán, nhu cầu về rau xanh tăng cao. Hiện nay, tại các xã khu vực lòng chảo Điện Biên, người dân đồng loạt vào vụ sản xuất rau Tết; tập trung các loại rau: Su hào, bắp cải, đỗ, súp lơ, cà chua và các loại rau thơm. Xã Pom Lót (huyện Điện Biên) có hơn 10ha trồng rau vụ đông.

Ông Nguyễn Văn Quân, thôn 1, xã Pom Lót cho biết: Vụ rau tết, gia đình tôi trồng gần 3.000m2 su hào, cà chua và súp lơ. Hiện nay, rau đang sinh trưởng, phát triển tốt và dự kiến cho thu hoạch vào những ngày giáp tết Nguyên đán. Thời điểm này, giá rau bắt đầu tăng so với những tháng trước đây, hi vọng rau sẽ được giá để người trồng rau có thêm thu nhập, chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán 2023.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top