Chủ động phòng chống rét cho vật nuôi

07:28 - Thứ Hai, 09/01/2023 Lượt xem: 4095 In bài viết

ĐBP - Do ảnh hưởng của không khí lạnh, trong những ngày qua nhiệt độ trên địa bàn tỉnh xuống thấp, nhất là về đêm và sáng sớm, ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi. Để phòng, chống rét cho vật nuôi, ngành Nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân có tâm lý chủ quan, không chủ động che chắn chuồng trại, tích trữ thức ăn cho đàn vật nuôi, thậm chí thả rông gia súc dẫn đến chết rét.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên Đông kiểm tra việc phòng chống đói, rét cho đàn gia súc trên địa bàn xã Háng Lìa.

Mùa rét năm 2021 do tâm lý chủ quan cùng với việc chưa chuẩn bị kỹ càng về chuồng trại khiến đàn lợn 13 con của gia đình anh Đoàn Xuân Thịnh, đội 8, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) bị chết, gây thiệt hại trên 20 triệu đồng. Rút kinh nghiệm, ngay từ những ngày đầu mùa đông năm 2022, gia đình anh đã dùng bạt quây quanh chuồng tránh gió và giữ nền chuồng luôn khô ráo. Ngoài ra, anh Thịnh dự trữ nguồn thức ăn, cho trâu uống nước ấm pha muối loãng để tăng sức đề kháng trong những ngày giá rét. Đồng thời tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh. Nhờ đó đàn vật nuôi của gia đình anh Thịnh khỏe mạnh, không bị đói, rét hay dịch bệnh.

Gia đình bà Lường Thị Lả, bản Bó, thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) hiện có 10 con trâu, bò, hơn 100 con lợn, gà, vịt. Để đảm bảo phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, bà Lả thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động chăm sóc. Bên cạnh đó, được sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, trong những ngày qua, khi nhiệt độ xuống thấp, bà đã chủ động quây bạt chuồng trại chăn nuôi; dự trữ thức ăn để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

Bên cạnh những hộ tự giác, chủ động chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi, vẫn còn nhiều người chăn nuôi chủ quan trong việc ứng phó với diễn biến của thời tiết. Đặc biệt tại một số bản, xã vùng cao, còn nhiều hộ dân che chắn chuồng trại tạm bợ, thậm chí vẫn chăn nuôi theo hình thức thả rông; không dự trữ thức ăn cho vật nuôi khi rét đậm. Bà Lò Thị Hoàn, bản Mường Nhé Mới, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) cho biết, do gia đình chưa có điều kiện xây chuồng nuôi nhốt kiên cố nên đàn trâu bò chủ yếu được chăn thả rông. Mặc dù chưa có thiệt hại, nhưng trước tình trạng rét đậm, rét hại, nguy cơ sự ảnh hưởng đến đàn gia súc của gia đình bà Hoàn là rất lớn.

Hiện nay tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm còn thấp. Ngoài ra, công tác chỉ đạo về tăng cường phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn gia súc của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt; thiếu linh hoạt trong triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân... Do đó, từ đầu năm 2022 đến nay, số lượng vật nuôi trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do đói rét vẫn còn cao: 573 con gia súc (chủ yếu trâu, bò) bị chết do đói rét, tăng 8,9% so với năm 2021; một số huyện có số lượng trâu, bò bị chết do đói rét cao như Tủa Chùa, Mường Chà, Điện Biên Đông...

Toàn tỉnh hiện có gần 549.000 con gia súc (trâu, bò, lợn) và đàn gia cầm hơn 4,7 triệu con. Để chủ động trong phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh, hạn chế tối đa thiệt hại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp huyện thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết rét đậm, rét hại, thông tin kịp thời đến người sản xuất chăn nuôi để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi. Phân công cán bộ bám sát địa bàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh tại cơ sở, đặc biệt là nguồn thức ăn dự trữ cho gia súc. Khẩn trương hoàn thành kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh để tạo miễn dịch chủ động, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh và lây lan. Đồng thời, khuyến cáo người dân gia cố chuồng trại (đối với gia súc ăn cỏ), che chắn, đảm bảo đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt nền chuồng; vệ sinh sạch sẽ; chủ động trồng cây thức ăn, dự trữ thức ăn (rơm rạ, cỏ khô, phụ phẩm trong nông nghiệp như cây ngô, cây họ đậu, sắn...); bổ sung muối ăn với lượng 5g/100kg thể trọng trâu, bò; khi nhiệt độ xuống dưới 12oC cần đưa gia súc về chỗ nuôi nhốt, trong chuồng kín gió. Đối với gia cầm, chuẩn bị đầy đủ phên, bạt để che chắn, chống gió lùa; bổ sung bóng điện sưởi ấm trong những ngày rét đậm, rét hại. Mật độ nuôi hợp lý từ 6 - 8 con/m2 đối với gà đẻ và 8 - 10 con/m2 đối với gà thịt... Đồng thời, đảm bảo thức ăn có đầy đủ dinh dưỡng, phù hợp với từng đối tượng gia cầm; cho uống nước sạch và bổ sung thêm đường glucose và vitamin, men tiêu hóa để nâng cao khả năng chống bệnh của gia cầm.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top