Trái ngọt Mường Thanh

07:32 - Thứ Ba, 10/01/2023 Lượt xem: 4671 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm gần đây, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện Điện Biên đã không ngừng được mở rộng (đạt 1.215,50ha); góp phần hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Lợi thế từ cây ăn quả đã và đang giúp bà con mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, tạo thêm sinh kế ổn định và lâu dài cho người dân vùng khó.

Vườn bưởi nhà ông Lò Văn Nhân, bản Hoong Lếch Cang, xã Thanh Chăn sai trĩu quả, cho thu hoạch đạt năng suất cao.

Xóa nghèo từ cây ăn quả có múi

Tiếp chúng tôi tại vườn bưởi sai trĩu quả, vàng mọng, ông Lò Văn Nhân, bản Hoong Lếch Cang, xã Thanh Chăn vui vẻ giới thiệu từng loại cây, năm trồng, số quả thu hoạch hàng năm và lợi nhuận thu được bằng tất cả niềm say mê với loại cây này. Ông Nhân phấn khởi chia sẻ: Nhận thấy diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, năm 2010 nhà tôi đã cải tạo, chuyển sang trồng 5.000m2 bưởi da xanh, bưởi Diễn, cam. Những năm đầu, do chưa biết cách chăm sóc, tỉa cành, bón phân nên cây bưởi cho ít quả, thu nhập không cao. Để vườn bưởi sinh trưởng và phát triển tốt, ngoài đầu tư kinh phí, công sức, ông Nhân đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào chăm sóc, tuân thủ quy trình kỹ thuật (không sử dụng các chất cấm, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học…). Từ năm thứ 4, cây bưởi cho năng suất cao (4 - 5 tấn/vụ); quả bưởi cũng bắt đầu được người tiêu dùng và thương lái biết đến, nên thu nhập khá hơn. Hiện bưởi da xanh có giá dao động từ 25 - 30 nghìn đồng/kg, bưởi Diễn giá từ 15 - 20 nghìn đồng/quả, mang lại nguồn thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Không riêng gì gia đình ông Nhân, trong bản Hoong Lếch Cang có 40/77 hộ trồng bưởi với diện tích trên 4ha. Với ưu thế giá thành cao, không tốn nhiều công chăm sóc, cây bưởi đã góp phần giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên khá giả (toàn bản có 37/77 hộ khá giả). Tiêu biểu như các hộ: Lò Văn Chựa, Lò Xuân Phanh, Lò Thị Thanh…

Phát triển cây ăn quả có múi được xem là hướng đi hợp lý, đúng với xu thế phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay tại xã Thanh Chăn, góp phần nâng cao thu nhập và tạo giá trị gia tăng cho sản xuất. Ông Phạm Minh Tiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn cho biết: Để thúc đẩy sản xuất cây ăn quả có múi, xã đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung. Hiện toàn xã có hơn 13ha trồng bưởi, cam. Do sản xuất tập trung, chăm sóc tốt, cơ cấu giống phong phú nên ở các thôn, bản: Hồng Thanh 7, Việt Thanh 4, 5, Hoong Lếch Cang, Púng Ngựu, Pom Mỏ Thổ… cây ăn quả có múi đã mang lại thu nhập vài trăm triệu đồng/vụ, giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Cũng theo ông Phạm Minh Tiệp, bên cạnh việc duy trì, chăm sóc diện tích cây đã trồng, xã Thanh Chăn còn tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nông dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi. Hiện toàn xã có nhiều hộ đăng ký chuyển sang trồng cây ăn quả có múi, với diện tích hơn 18ha.

Quy hoạch vùng trồng, phát triển bền vững

Hiện tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện Điện Biên là 1.215,50ha. Một số loại cây ăn quả có diện tích lớn, như xoài, cam, quýt, dứa, nhãn, vải, mít, vú sữa… Huyện đề ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt 1.330ha. Trong đó, trọng tâm là hình thành các vùng trồng tập trung khoảng 500ha, gồm các loại cây chủ lực (bưởi da xanh, mít, nhãn, dứa, bơ, hồng xiêm, vú sữa…); chủ yếu tại các xã: Thanh Nưa, Thanh Chăn, Thanh Yên, Núa Ngam, Hẹ Muông, Thanh Hưng, Thanh Luông... Đây là những xã có điều kiện về đất đai, khí hậu phù hợp, chủ động tưới tiêu, diện tích đất tập trung.

Để đạt được mục tiêu đó, huyện Điện Biên tiếp tục định hướng người dân phát triển theo hướng tập trung, đầu tư quy trình công nghệ chăm sóc, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa theo quy trình an toàn hữu cơ. Cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích nhân dân chuyển đổi cây trồng; hình thành vùng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng diện tích, năng suất và sản lượng, nâng cao giá trị kinh tế. Cùng với đó, đưa vào trồng thử nghiệm, lựa chọn các loại giống cây ăn quả mới phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ trồng cây ăn quả trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, liên kết, nắm bắt thông tin thị trường (giá cây giống, phân bón, giá cam thành phẩm, thị trường tiêu thụ...).

Huyện Điện Biên định hướng hình thành các mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với các hộ gia đình trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả. Toàn huyện phấn đấu có ít nhất 2 hợp tác xã sản xuất gắn với vùng chuyên canh sản xuất cây ăn quả, xây dựng mới từ 1 chuỗi liên kết trở lên sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục xây dựng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, VietGAP, sản phẩm hữu cơ… Phấn đấu đến năm 2025 huyện có 10% diện tích cây ăn quả tập trung được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận VietGAP, hữu cơ, có thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; có ít nhất 2 sản phẩm quả được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Nâng giá trị thu nhập trên 1ha đất trồng cây ăn quả đạt trên 50 triệu đồng/ha. Ngoài ra, huyện mời gọi, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, phát triển công nghiệp sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm, hình thành các chuỗi giá trị khép kín trong sản xuất cây ăn quả, gắn sản xuất với thu hoạch, bảo quản chế biến và thị trường để nâng cao giá trị và chất lượng, nhất là tại các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung.

Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top