Bình ổn thị trường dịp tết

07:25 - Thứ Sáu, 13/01/2023 Lượt xem: 5776 In bài viết

ĐBP - Theo dự báo thị trường, nhu cầu hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 có xu hướng tăng mạnh. Thực tế này đòi hỏi các ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát và điều tiết giá cả hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường.

Công đoàn viên chức tỉnh lựa chọn hàng hóa tại Chợ Tết Công đoàn năm 2023.

Hối hả chuẩn bị hàng tết

Những ngày gần tết, thị trường hàng hóa càng nhộn nhịp và sôi động. Thị trường hàng hóa tết năm nay ước tính sẽ tăng khoảng 10 - 15% về nhu cầu so với năm ngoái. Do vậy, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh đang gấp rút triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo đủ hàng hóa thiết yếu cho người tiêu dùng.

Những ngày này, cơ sở sản xuất thịt khô gác bếp Chung Phước (bản Hón, thị trấn Mường Ảng) phải huy động tối đa nhân lực, các lò sấy hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm mới kịp đơn hàng tết cho khách.

Chị Hà Thị Kim Phước, chủ cơ sở Chung Phước cho biết: Các sản phẩm thịt trâu, bò, lợn gác bếp của cơ sở đều được sản xuất từ nguồn nguyên liệu tại địa phương, chế biến hoàn toàn thủ công, mang đặc trưng văn hóa ẩm thực dân tộc Thái Điện Biên. Sản phẩm được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, sử dụng. Dịp tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thịt khô gác bếp tăng cao. Do đó trước tết Nguyên đán 1 tháng, chúng tôi đã có kế hoạch làm việc với các bên cung cấp thịt trâu, bò, lợn, đáp ứng được nhu cầu rất lớn trong dịp tết. Năm nay, giá thịt lợn, trâu, bò rẻ hơn nên giá cả các sản phẩm thịt khô dịp tết khá ổn định.

Cung ứng ra thị trường gần 80 tấn miến/năm, Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, cơ sở sản xuất miến dong an toàn Lộc Biên (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) kỳ vọng doanh số tháng tết sẽ tăng từ 15 - 20%. Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng, ngay từ đầu tháng 10/2022, cơ sở đã làm việc với các đối tác để giảm chi phí, giữ bình ổn giá sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Anh Đặng Văn Lộc, chủ cơ sở sản xuất miến dong an toàn Lộc Biên cho biết: Năm nay, song song với hình thức bán hàng truyền thống, cơ sở tăng cường quảng bá, giới thiệu và bán hàng trên các ứng dụng số, mạng xã hội, do đó số lượng đơn đặt hàng nhiều hơn mọi năm. Bên cạnh chất lượng, mẫu mã sản phẩm, quyết định tiêu dùng của khách hàng sẽ bị tác động bởi yếu tố giá cả. Do có sự chủ động từ trước, xây dựng kế hoạch kinh doanh cụ thể, chúng tôi duy trì, giữ giá sản phẩm ổn định để cung cấp ra thị trường Tết.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, tình hình thị trường trong tỉnh dịp giáp tết nhộn nhịp hơn so với các tháng trước. Sức mua sắm của người dân bắt đầu tăng vào 2 tuần trước tết và tăng nhanh vào những ngày giáp tết. Một số mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp tết Nguyên đán như lương thực (gạo tẻ, gạo nếp, đỗ xanh...), thực phẩm tươi sống (gà ta, gà trống thiến, thịt lợn, thịt bò), các sản phẩm đặc trưng vùng miền và bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, các loại đồ uống đóng hộp... Đảm bảo cung cầu, bình ổn giá tới tay người tiêu dùng cũng là nội dung nằm trong chỉ đạo của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương trong dịp tết và những tháng đầu năm mới. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Chỉ thị 03 yêu cầu các đơn vị trong ngành bám sát diễn biến tình hình cung cầu, giá cả thị trường, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu phục vụ tết Nguyên đán; đồng thời, chủ động xây dựng kịch bản điều hành giá trong bối cảnh khó lường của năm 2023.

Bình ổn thị trường dịp cuối năm

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính về bình ổn thị trường dịp tết, ngày 26/12/2022, UBND tỉnh Điện Biên đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-BTC. Theo đó, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình cung cầu, giá cả thị trường trên địa bàn trước, trong và sau Tết, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân trên địa bàn để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp bình ổn giá theo quy định, có phương án điều tiết, hỗ trợ lưu thông nguồn hàng hợp lý, đề xuất kịp thời xuất cấp hàng dự trữ theo quy định. Đồng thời, Sở Tài chính phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện niêm yết giá, kê khai giá trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí, lệ phí; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện triệt để, có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; tập trung quản lý chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm, đúng chế độ. Bên cạnh đó, Sở Tài chính phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị liên quan căn cứ điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình bình ổn thị trường phù hợp trên địa bàn.

Từ đầu tháng 1/2023, Siêu thị Hoa Ba (TP. Điện Biên Phủ) ghi nhận lượng người mua sắm bắt đầu tăng cao. Đối với giá cả hàng hóa, năm nay nhìn chung các ngành hàng đều tăng giá so với cùng kỳ những năm trước, đặc biệt là so với 2 năm (2021 - 2022) dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song mức tăng không cao, bình quân khoảng 1.000 - 1.500 đồng/sản phẩm.

Ông Phạm Bá Duy, Kế toán trưởng Siêu thị Hoa Ba cho biết: Năm nay, giá nguyên liệu đầu vào, xăng dầu… đều tăng cao dẫn đến giá các ngành hàng tăng so với các năm trước. Siêu thị Hoa Ba luôn bán hàng đúng với giá niêm yết do nhà phân phối cung cấp, tuyệt đối không tự ý điều chỉnh, tăng giá hàng hóa dịp tết để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top