Năm 2022 kim ngạch xuất khẩu nông – lâm - thủy sản đạt trên 53 tỷ USD

12:21 - Thứ Sáu, 13/01/2023 Lượt xem: 8176 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (13/1), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị. Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự tại điểm cầu Điện Biên.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.

Năm 2022, giá trị gia tăng toàn ngành Nông nghiệp đạt 3,36% (nông nghiệp tăng 2,88%; thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%); tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trên 53,22 tỷ USD; sản lượng lương thực có hạt năm 2022 đạt trên 47 triệu tấn. Giá trị 1ha đất trồng trọt năm 2022 đạt  trên 104 triệu đồng, tăng 0,6% so với năm 2021. Sản lượng lúa tuy giảm 2,7% do diện tích gieo trồng giảm, nhưng sản lượng lúa vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu gần 7,2 triệu tấn (cao nhất trong những năm gần đây). Ngành chăn nuôi cũng chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao được mở rộng; nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ hình thành và đang phổ biến, nhân rộng.

Trong năm, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại mở cửa thị trường để duy trì, mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực (gạo, trái cây, thủy sản, gỗ...). Các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa được đẩy mạnh, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu, liên kết chuỗi giá trị nông sản. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cao kỷ lục, trên 53 tỷ USD, vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao.

Năm 2023, ngành Nông nghiệp tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu sản xuất theo vùng; triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu trên các lĩnh vực sản xuất. Phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, thông minh; thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Thời gian tới, nghành Nông nghiệp cần thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp. Tận dụng cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành, duy trì các động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn. Phát triển giống vật nuôi chất lượng cao phục vụ sản xuất; ưu tiên nhập khẩu giống tốt, chọn tạo đàn giống thích hợp cho mỗi vùng sinh thái. Cùng với đó, phát triển đồng bộ, toàn diện cả khai thác và nuôi trồng; đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn, quy định của quốc tế về nuôi trồng và đánh bắt hải sản, nhất là việc hướng dẫn, quản lý đánh bắt hải sản theo đúng các quy định ở trong nước và phù hợp với quốc tế; thúc đẩy xuất khẩu thủy sản; tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hiện đại hóa công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào chế biến, bảo quản nông sản để tạo ra sản phẩm phong phú về chủng loại, giá thành hạ, giá trị gia tăng cao; nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất và giảm thiểu sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, gắn với bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông – lâm - thủy sản. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, chuyển đổi tư duy cho cán bộ và cư dân nông thôn về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn. Phối hợp quản lý tốt nguồn nước của các lưu vực sông và hệ thống thuỷ lợi, nhất là các hồ chứa, bảo đảm quá trình khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, phục vụ có hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài. Chú trọng công tác đảm bảo an toàn đê điều, sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó với lũ lớn, lũ đặc biệt lớn, tình huống bất lợi trên diện rộng. Tiếp tục duy trì, thường xuyên cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thiên tai. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon; thúc đẩy đầu tư thông qua hoạt động của Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam.

Tin, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top