Phòng chống vi phạm trong kinh doanh, thương mại dịp cuối năm

10:24 - Thứ Bảy, 14/01/2023 Lượt xem: 5416 In bài viết

ĐBP - Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2023, thị trường hàng hóa sôi động; nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Các lực lượng quản lý thị trường, công an, hải quan, bộ đội biên phòng cũng tăng cường thực hiện đợt cao điểm kiểm soát thị trường, đấu tranh chống hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; kinh doanh các mặt hàng cấm, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm... nhằm bảo đảm quyền lợi, sức khỏe cho người tiêu dùng, thị trường lành mạnh.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra kinh doanh mặt hàng thuốc trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ.

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng, chỉ đạo thực hiện hiệu quả kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Trong đó chủ động nắm chắc diễn biến tình hình; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm cần tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh có hiệu quả. Xác định rõ vai trò chủ trì, phối hợp của các ngành, lực lượng chức năng, địa phương trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn quản lý, phụ trách. Cùng với đó, xây dựng, triển khai các phương án tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới để ngăn chặn hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu vào nội địa. Kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa, website thương mại điện tử, mua, bán qua mạng... để kịp thời phát hiện các hành vi lợi dụng để kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... Trong đó tập trung vào hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, hàng hóa có thuế suất cao, hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán như: thuốc lá, xăng dầu, khoáng sản, kim khí quý, ngoại tệ, hàng điện tử, điện thoại, thời trang cao cấp, thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, hoa quả, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...

Lực lượng chức năng đã tuyên truyền trực tiếp, vận động ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm chủ quyền sở hữu trí tuệ đến 2.904 tổ chức, cá nhân kinh doanh và 25 đơn vị, UBND xã phường, ban quản lý dự án các chợ. Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường tỉnh, công an, hải quan tích cực kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong đó, tập trung kiểm tra các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, nhà phân phối; tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương, nhất là những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp tết. Nhờ đó tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đến nay cơ bản được kiểm soát, không xảy ra điểm nóng và tình hình phức tạp về buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hành vi đầu cơ tăng giá.

Hiện nay các đối tượng vi phạm bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng, nhất là trên môi trường mạng. Trong khi đó trình độ nhận thức của một bộ phận dân cư còn hạn chế; tâm lý ham rẻ, ngại đấu tranh khi bị xâm phạm đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm. Do đó cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức giúp người tiêu dùng nhận biết, không tiếp tay cho các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng chất lượng kém, không rõ nguồn gốc. Khuyến khích tinh thần trách nhiệm của người dân về tố giác hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan chức năng.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận
Back To Top