“Cây tỷ phú” ở Tênh Phông

08:39 - Thứ Ba, 17/01/2023 Lượt xem: 6279 In bài viết

ĐBP - Trên địa bàn tỉnh, xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) là địa bàn duy nhất có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng và nhân giống các loại sâm. Việc quan tâm, đẩy mạnh phát triển loài cây dược liệu này bước đầu đem lại những tín hiệu tích cực, mở ra hướng đi mới nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên ban tặng. Qua đó tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Lãnh đạo UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn kiểm tra tình hình phát triển cây sâm ở xã Tênh Phông.

Sâm là loại cây có giá trị kinh tế cao nhưng chi phí đầu tư rất lớn nên không phải tổ chức, cá nhân nào cũng mạnh dạn thực hiện. Mặc dù cây sâm đã bén rễ tại mảnh đất Tênh Phông khoảng 6 - 7 năm nay nhưng hiện nay mới có 4 tổ chức, hộ gia đình đứng ra phát triển loại cây được ví như “cây tỷ phú” này. Gọi là “cây tỷ phú” thực cũng chẳng ngoa khi chúng tôi có dịp được gặp gỡ và trò chuyện với ông Đoàn Văn Lân, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Đoàn Lân tỉnh Điện Biên - một trong những đơn vị đã mạnh dạn đưa cây sâm vào trồng tại xã Tênh Phông.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn sâm và chỉ vào một luống sâm mới xuống giống, ông Lân tâm sự: “Một luống sâm này thôi nhưng chi phí đầu tư cũng tốn vài trăm triệu đồng. Vậy nên khi trồng sâm cần hết sức thận trọng và phải nắm vững kỹ thuật, nếu không chỉ sơ suất nhỏ có thể dẫn đến thiệt hại lớn. Những ngày đầu mới trồng sâm, chưa có kinh nghiệm chúng tôi phải nhờ các chuyên gia hướng dẫn về khoa học, kỹ thuật theo hình thức “cầm tay chỉ việc” thì vườn sâm mới phát triển được như ngày hôm nay. Càng vui hơn khi cây sâm trồng ở đất Tênh Phông cho chất lượng rất tốt; điều đó đã được các nhà khoa học kiểm nghiệm và chứng minh. Sau thời gian thử nghiệm, hiện nay, cả vườn sâm của chúng tôi có gần 10 vạn cây các độ tuổi. Riêng năm 2022, chúng tôi đã ươm giống được khoảng 4 - 5 vạn cây con. Bước đầu, cây sâm sinh trưởng và phát triển tốt; vì vậy chúng tôi cũng hi vọng loại cây dược liệu mới này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao và có thể nhân rộng, phát triển hơn nữa”.

Với mức đầu tư “khủng” cũng như độ rủi ro cao nên người trồng sâm phải khá mạo hiểm khi quyết định phát triển mô hình kinh tế theo hướng này. Vậy nhưng, Chủ tịch UBND xã Tênh Phông Mùa A Dụa cùng một số anh em lại rất tự tin để đưa cây sâm vào trồng trên địa bàn xã, với mục tiêu đưa kinh tế địa phương từng bước phát triển bền vững dựa vào giống cây này. Nói về cơ duyên biết đến cây sâm và phát triển việc trồng sâm trên địa bàn, anh Dụa chia sẻ: “Có một bác sĩ ở TP. Hà Nội lên xã Tênh Phông thăm bà con, nhận thấy khí hậu ở đây lạnh phù hợp với việc trồng cây sâm nên anh ấy đã lấy giống sâm Ngọc Linh ở tỉnh Quảng Nam lên cho mình trồng thử. Với suy nghĩ muốn người dân thay đổi nếp nghĩ, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho bà con, mình phải làm trước thôi, bởi “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” mà! Nếu thành công thì tự khắc người dân sẽ làm theo mà không cần phải tuyên truyền, vận động nhiều. Vì giống cây con khá đắt nên năm 2018, mình chỉ trồng thử nghiệm 200 cây. Thật may, loại dược liệu này phù hợp với đất Tênh Phông nên cây sinh trưởng và phát triển khá tốt. Sau 3 năm, 200 cây sâm ngày nào đã cho hạt để mình nhân giống. Đến nay, quy mô vườn sâm đã có hơn 3.000 cây các lứa tuổi và năm nay đã ươm mới gần 1.000 cây cả sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu… Với phương châm phát triển kinh tế phải dựa vào thế mạnh vốn có của địa phương, bản thân tôi nghĩ mình đang đi đúng hướng để từng bước phát triển kinh tế gia đình nói riêng, cũng như hướng đến mục tiêu xa hơn là mang lại hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong xã...”.

Để đưa cây sâm trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét bổ sung tỉnh Điện Biên vào phạm vi thực hiện của Chương trình phát triển sâm thuộc Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030 và định hướng 2045; đồng thời quan tâm, hỗ trợ Điện Biên trong thực hiện phát triển cây sâm thời gian tới.

Chia sẻ về sự quan tâm của UBND tỉnh cũng như cơ quan chuyên môn trong việc trồng sâm trên địa bàn, ông Lò Văn Cương, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tuần Giáo cho biết: Thực tế, trước đây tại huyện Tuần Giáo, một số hộ gia đình đã trồng và nhân giống sâm bản địa; dựa trên cơ sở đó, bà con mạnh dạn trồng các loại sâm. Huyện cũng rất biểu dương các hộ gia đình, cá nhân, HTX và các doanh nghiệp mạnh dạn trồng cây sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu trong thời gian qua. Thời gian qua, UBND tỉnh cũng ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về “trồng, chế biến chuyển giao công nghệ và phát triển cây sâm Điện Biên; chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá, thu hút đầu tư và hợp tác kinh doanh” giữa Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc với các sở, ngành tỉnh. Đồng thời tổ chức ký kết chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao trồng, phát triển, chế biến cây sâm trên địa bàn tỉnh Điện Biên giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc với một số sở, ngành địa phương và doanh nghiệp tham gia phát triển cây sâm trên địa bàn tỉnh... Qua đó, các đơn vị, hộ gia đình được hỗ trợ, chuyển giao khoa học, công nghệ về phát triển cây sâm từ quốc gia có bề dày kinh nghiệm trong phát triển cây sâm như Hàn Quốc...

Với sự hỗ trợ kịp thời của UBND tỉnh, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn và tinh thần chủ động, mạnh dạn đầu tư của các đơn vị, hộ gia đình, việc phát triển cây sâm ở Tênh Phông hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương trong thời gian sắp tới.

Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top