Người Huổi Lốt lên nương tra hạt mùa xuân

07:25 - Thứ Sáu, 27/01/2023 Lượt xem: 4451 In bài viết

ĐBP - Mùa xuân xuống giống trên nương, ngô lúa nảy mầm no ấm một năm, là tục lệ canh tác truyền thống của đồng bào dân tộc Khơ Mú bản Huổi Lốt, xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo). Bởi vậy, tháng 3 - 4 hàng năm, người dân Huổi Lốt lại cùng nhau làm Lễ tra hạt, cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Già làng rót nước trong ống tre để cho những người tham gia buổi lễ rửa tay, rồi vẩy nước lên trời tượng trưng cho những hạt mưa.

Lễ tra hạt diễn ra với quy mô gia đình, nhưng lại thu hút sự tham gia của đông đảo anh em họ hàng và bà con dân bản. Đồng bào Khơ Mú quan niệm, càng nhiều người tham gia thì buổi lễ càng đông vui, năm đó ngô thóc được mùa. Nghi lễ bắt đầu tại nhà gia chủ với cơm, rượu, nước, gia vị để xin phép tổ tiên được làm lễ tra hạt trên nương. Sau đó, thầy cúng và gia đình đem đồ lễ lên nương, dựng 1 sàn từ tre, nứa để bày vật phẩm. Thầy cúng với sự hỗ trợ của các già làng trong bản, sắp xếp lên sàn tre 1 mảnh vải truyền thống, bộ trang phục dân tộc nam, nữ; rượu, nước trắng (đựng trong dóng tre), vòng cổ, vòng tay, gương, lược, tẩu hút thuốc, lá trầu, nến sáp ong, cùng các đồ trang trí làm từ tre nứa... Và lễ vật chính quan trọng nhất là 1 con chó, 2 con gà trống lông đỏ - thể hiện sự sung túc của gia chủ.

Người Khơ Mú bản Huổi Lốt chuẩn bị nghi thức chọc lỗ, tra hạt.

Sau khi đã sắp xong lễ vật, một người cao tuổi nhúm vài hạt giống, đặt vào 1 hốc cây đã chặt gần đó, với ngụ ý giấu khỏi chim chóc, sâu, chuột. Rồi thầy cúng bắt đầu làm lễ, cầu khấn thần linh phù hộ cho gia chủ gặp điều tốt đẹp, bảo vệ nương rẫy, ngăn động vật phá hoại, mong cho lúa trĩu bông, ngô nặng hạt; lấy tiết của con vật làm lễ bôi dấu đỏ vào các tấm phên đan nhằm xua đuổi những điều không tốt.

Thầy cúng và già bản Huổi Lốt cùng sắp xếp đồ cúng trên nương, trong đó không thể thiếu khăn, vải, trang phục truyền thống dân tộc.

Thầy cúng làm lễ xong, một người đại diện lấy gậy chọc 6 lỗ để tra hạt trước, rồi phi gậy ra giữa mảnh nương, càng xa càng tốt. Đồng thời hô lớn câu “xong rồi”, với ý nghĩa việc tra hạt phải cố gắng làm cho nhanh, xong sớm và diễn ra thuận lợi. Tất cả mọi người có mặt tại buổi lễ cùng tập trung lại giúp chủ nhà, nam giới dùng gậy chọc lỗ, nữ giới đi sau tra hạt. Đến khi cả mảnh nương đã được xuống giống, già làng rót nước trong ống tre để cho những người tham gia buổi lễ rửa tay, rồi vẩy nước lên trời tượng trưng cho những hạt mưa, cầu cho mưa thuận gió hòa, ngô lúa mau lên xanh tươi tốt. Lễ tra hạt đã xong, gia chủ giữ một phần lễ vật mang về báo cáo tổ tiên, còn lại thì sắp cỗ để tất cả mọi người cùng ăn uống, chung vui.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top