Tạo nguồn thu vững chắc

07:37 - Thứ Hai, 30/01/2023 Lượt xem: 5487 In bài viết

ĐBP - Năm 2023, dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh là 2.440 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu từ nguồn thu tiền sử dụng đất 1.300 tỷ đồng; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh gần 387 tỷ đồng; thu từ doanh nghiệp Nhà nước Trung ương 222 tỷ đồng; thuế bảo vệ môi trường 180 tỷ đồng; lệ phí trước bạ 75 tỷ đồng… Để đạt được mục tiêu đề ra cần nhiều giải pháp hiệu quả, trong đó phải tạo nguồn thu vững chắc, bền vững.

Cán bộ Chi cục Thuế huyện Điện Biên giải quyết thủ tục nộp thuế cho người dân.

Để đạt và vượt dự toán giao thu, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan thuế triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả chương trình, kế hoạch và các giải pháp chỉ đạo điều hành của các cấp, ngành về nhiệm vụ thu ngân sách.

Nguồn thu từ đất là một trong những nguồn thu chính, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, đối với các dự án đấu giá quyền sử dụng đất đã có kế hoạch từ năm 2021 nhưng đến hết năm 2022 chưa thực hiện được, chuyển sang năm 2023 tiếp tục thực hiện, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác phối hợp để triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định hiện hành về quy trình, trình tự thủ tục để đấu giá quyền sử dụng đất.

Đối với các dự án đấu giá được xác định thực hiện mới trong năm 2023 để tăng nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác có hiệu quả tiềm năng về đất đai, thu hút đầu tư, tỉnh giao các sở, ngành liên quan thực hiện tốt công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch tạo ra quỹ đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng đô thị. Thực hiện các quy trình thủ tục có liên quan đến nghiệm thu quyết toán công trình, chủ trương đầu tư phục vụ cho các dự án có đấu giá đất. Đồng thời, thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư; tham mưu cho UBND tỉnh phương án đấu giá đất, tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Tham mưu cho tỉnh ban hành giá đất đền bù, giá đất của các dự án đấu giá, bước giá để đấu giá; đôn đốc các nhà thầu trúng đấu giá hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Bên cạnh đó, các địa phương phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, kiểm đếm, lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các dự án trọng điểm có đấu giá đất ở, đất thương mại du lịch.

Tuy có đóng góp tích cực cho ngân sách Nhà nước song nguồn thu từ đất thiếu bền vững. Về lâu dài, khi quỹ đất ngày càng thu hẹp, nguồn thu từ tiền sử dụng đất cũng sẽ giảm dần, ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu thu ngân sách những năm tiếp theo. Ngoài ra, nguồn thu này thiếu bền vững bởi phần lớn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất... chỉ thu được một lần trong thời hạn sử dụng dài hoặc chu kỳ thuê đến hàng chục năm. Một nguồn khác là thu từ hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu thì dư địa cũng còn rất hạn hẹp.

Thực tế, mặc dù quỹ đất trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhưng để khai thác tăng thu ngân sách không dễ dàng; thậm chí năm 2022 nhiều địa phương không tổ chức thực hiện được đấu giá đất, dẫn đến nguồn thu từ đất đạt thấp. Cụ thể, năm 2022 nguồn thu từ tiền sử dụng đất được kỳ vọng là nguồn chính, góp phần tăng ngân sách Nhà nước, nhưng hết năm nguồn thu tiền sử dụng đất chỉ đạt 391 tỷ đồng (bằng gần 30% dự toán), do các dự án đấu giá đất theo phương án tài chính đã được phê duyệt chậm tiến độ, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn.

Trước những khó khăn, vướng mắc trong thu ngân sách thời gian qua, việc xây dựng nguồn thu ngân sách bền vững là vấn đề thiết yếu. Trong đó trước mắt sẽ tăng cường chống thất thu thuế, tập trung vào các doanh nghiệp nợ đọng thuế lớn để tháo gỡ và thu hồi nợ đọng. Các sở, ban, ngành chức năng tăng cường phối hợp, tích cực đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; rà soát hộ kinh doanh, chống bỏ lọt, thất thu thuế. Nguồn thu từ thuế vẫn được kỳ vọng là nguồn đóng góp hiệu quả cho ngân sách Nhà nước. Tất nhiên, mục tiêu tăng thu từ thuế không nhắm vào tăng thuế suất các nguồn thu cũ mà quan trọng hơn là mở rộng cơ sở tính thuế; truy vết các nguồn thu nợ đọng nhiều hoặc đang “né” thuế như thuế thu nhập cá nhân, thuế thương mại điện tử... Đặc biệt, thương mại điện tử là ngành khởi sắc mạnh mẽ bất chấp sụt giảm chung của rất nhiều ngành nghề kinh doanh trong hơn một năm qua, nhờ hưởng lợi từ sự thay đổi thói quen tiêu dùng trong dịch bệnh. Song hiệu quả truy vết nguồn thu này chưa tương xứng và cần nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top