Góc nhìn tiêu điểm

Trước hết là nhận thức

08:25 - Thứ Bảy, 04/02/2023 Lượt xem: 3432 In bài viết

ĐBP - Liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất được xem là “chìa khóa” nâng cao giá trị nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã, đồng thời giúp người tiêu dùng được tiếp cận nông sản chất lượng an toàn.

Vì vậy, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 được kỳ vọng mang lại những đổi thay tích cực, tạo động lực mới để xóa đói giảm nghèo cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi cả nước nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng.

Theo quy định tại Nghị định 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thì: Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị là phương thức hỗ trợ thông qua dự án, kế hoạch liên kết do đơn vị chủ trì liên kết hợp tác với các đối tượng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ theo chuỗi giá trị.

Các nội dung hỗ trợ đối tượng liên kết được ưu tiên thực hiện như: Đào tạo kỹ thuật sản xuất; tập huấn nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi; xúc tiến thương mại cho sản phẩm...

Cuối tháng 10/2022, Chi cục Phát triển nông thôn Điện Biên (đại diện chủ đầu tư) đã ra thông báo tuyển chọn đơn vị chủ trì liên kết các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thuộc chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn năm 2022. Theo đó, có 6 dự án liên kết, gồm: Dự án liên kết sơ chế, chế biến cà phê gắn với tiêu thụ sản phẩm; Dự án liên kết sơ chế, chế biến mắc ca gắn với tiêu thụ sản phẩm; Dự án liên kết gắn với sản phẩm cây ăn quả; Dự án liên kết sơ chế, chế biến quả sơn tra (táo mèo) gắn với tiêu thụ sản phẩm; Dự án liên kết gắn với sản phẩm cây dược liệu; Dự án liên kết gắn với gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê). Thời gian thực hiện các dự án từ năm 2022 - 2025.

Trong chuỗi liên kết, vai trò của người sản xuất rất quan trọng. Song thực tế cho thấy, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, cận nghèo sinh sống ở khu vực đặc biệt khó khăn còn những hạn chế về nhận thức, tâm lý, trình độ... Mặt khác, việc liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân còn không ít khó khăn, vướng mắc. Thời gian qua trên địa bàn tỉnh ta đã có những liên kết không thành công, có liên kết bị đứt gãy. Một số hợp tác xã, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất chưa có chiến lược rõ ràng, định hướng cụ thể; chất lượng, số lượng sản phẩm đạt yêu cầu còn ít; khó tiếp cận nguồn vốn để đầu tư nhà xưởng, công nghệ… Trong khi đó, theo quy định về phạm vi, đối tượng của các dự án thì phải có: Tối thiểu 50% đối tượng tham gia liên kết là hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ sinh sống tại xã, thôn đặc biệt khó khăn; doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số.

Do đó, để các dự án triển khai thuận lợi, có hiệu quả tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần tăng cường truyền thông về quy trình thực hiện, lợi ích của sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Từ đó tạo sự đồng thuận, nhất trí về nhận thức của các đơn vị liên quan và người dân trong thực hiện.

Các quy định, căn cứ pháp lý đã có, từ nghị định của Chính phủ, thông tư của bộ, ngành liên quan, hay nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng và hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ, thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025.

Quan trọng là việc triển khai thực hiện!

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top