Tập trung sản xuất lúa đông xuân

07:29 - Thứ Tư, 08/02/2023 Lượt xem: 3797 In bài viết

ĐBP - Thời tiết sau tết Nguyên đán Quý Mão  nắng ấm, thuận lợi cho cây lúa nhanh bén rễ hồi xanh và đẻ nhánh. Những ngày này trên khắp các cánh đồng, nông dân đang tập trung xuống giống lúa trà muộn và tỉa giặm, chăm sóc các trà lúa sớm và chính vụ.

Người dân đội C9, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) tập trung tỉa giặm lúa đông xuân.

Tranh thủ thời tiết nắng ấm, gia đình chị Lường Thị Hình, thôn 1, xã Pom Lót (huyện Điện Biên) đã ra đồng tỉa giặm và chăm sóc lúa đông xuân.

Chị Lường Thị Hình cho biết: Vụ đông xuân năm nay, gia đình tôi gieo cấy 4.000m2, chủ yếu là giống Séng cù. Do xuống giống đúng khung thời vụ, thời tiết thuận lợi nên đến nay toàn bộ diện tích lúa đã bén rễ rất nhanh và bắt đầu vào giai đoạn đẻ nhánh. Sau những ngày vui xuân, đón tết Nguyên đán, gia đình tôi ra đồng tỉa giặm, đảm bảo mật độ cây lúa; bón phân, sục bùn cho cây lúa phát triển. Đồng thời tiến hành bẫy chuột và bắt ốc bươu vàng gây hại lúa, hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

Thời điểm này, nông dân khu vực vực lòng chảo Mường Thanh đang tập trung ra đồng chăm sóc lúa đông xuân. Chị Nguyễn Thị Mai, xã Thanh Chăn cho biết: Năm nay, gia đình tôi gieo cấy 100% giống Séng cù trên gần 5.000m2 ruộng. Đây là giống lúa có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao song rất mẫn cảm với sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông khi lúa trổ. Xã Thanh Chăn là “cái rốn” bệnh đạo ôn của huyện Điện Biên. Chính vì vậy, tôi rất chú trọng việc theo dõi, phòng trừ bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông ngay từ đầu vụ. Theo khuyến cáo của UBND xã, tôi thường xuyên thăm đồng, kiểm tra các ruộng lúa, nếu phát hiện dấu hiệu bệnh tôi lập tức phun phòng. Hiện nay, qua kiểm tra, cây lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt, chưa có dấu hiệu nhiễm sâu bệnh.

Vụ đông xuân năm 2022 - 2023, huyện Điện Biên gieo cấy trên 4.100ha lúa. Cơ cấu giống vẫn sử dụng bộ giống lúa thuần chất lượng cao, chủ lực là: Bắc thơm số 7, Séng cù (chiếm 65 - 75% tổng diện tích).

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Hiện nay, cây lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt. Người dân đang tập trung chăm sóc lúa. Phòng cử cán bộ thường xuyên bám địa bàn, phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, nhất là cán bộ nông nghiệp, khuyến nông thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, tư vấn trực tiếp cho bà con về kỹ thuật bón phân, sử dụng lượng phân bón hợp lý, khuyến cáo nông dân tiếp tục ra quân diệt chuột, ốc bươu vàng cắn phá lúa. Trong điều kiện thời tiết nắng ấm như hiện nay, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh gây hại để phòng trừ kịp thời.

Vụ đông xuân năm nay TP. Điện Biên Phủ gieo cấy trên 1.000ha lúa. Hiện nay, tại các phường: Thanh Trường, Nam Thanh, Him Lam và xã Thanh Minh, người dân đã hoàn thành xuống giống, cây lúa đã bén rễ và đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh. Đối với các xã vùng ngoài như: Mường Phăng, Pá Khoang, Nà Nhạn và Nà Tấu, nông dân đang tập trung xuống giống; diện tích gieo cấy ước đạt trên 80% theo kế hoạch. Đối với những diện tích đã gieo cấy, hiện nay, một số diện tích đã nhiễm tuyến trùng rễ, tuy nhiên chưa gây nhiều ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa.

Bà Trần Thị Mai, Trưởng phòng Kinh tế TP. Điện Biên Phủ cho biết: Để đảm bảo cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, phòng đã chú trọng công tác phòng trừ sâu bệnh ngay từ đầu vụ. Đến nay tình hình sâu bệnh trên lúa đông xuân chưa diễn biến phức tạp. Bên cạnh tuyến trùng rễ, phòng đã khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động đề phòng một số loại đối tượng sâu bệnh hại như: chuột, ốc bươu vàng, nhất là bệnh đạo ôn lá. Thời điểm này, thời tiết đang có nhiều diễn biến phức tạp, bất thường, do đó người dân cần có kế hoạch, giải pháp, chủ động ứng phó, khắc phục thiệt hại do thiên tai. Điển hình như tối 4/2, trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ đã xảy ra trận dông lốc, mưa đá. Phòng Kinh tế đang tích cực phối hợp với UBND các phường, xã đi kiểm tra, thống kê thiệt hại và hướng dẫn người dân khắc phục những diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại do mưa đá.

Trong khi các trà lúa sớm, chính vụ đã và đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh thì các trà lúa muộn ở vùng cao, vùng khó khăn về nước đang được người dân xuống giống. Mường Phăng là xã vùng ngoài của TP. Điện Biên Phủ, khó khăn về nước sản xuất nên lịch thời vụ sản xuất lúa đông xuân của xã thường chậm hơn khu vực trung tâm thành phố khoảng 1 tháng.

Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết: Vụ đông xuân năm nay, toàn xã gieo cấy 215ha lúa, chủ yếu là giống nếp và các giống lúa địa phương. Sau khi kết thúc kỳ nghỉ tết, từ ngày 2/2, người dân trên địa bàn đã đồng loạt ra đồng làm đất và tiến hành gieo cấy lúa đông xuân. Đến nay, toàn xã đã gieo cấy được trên 85% diện tích, chỉ còn một số diện tích ở bãi bồi khe suối chưa có nước để triển khai gieo. UBND xã phấn đấu đến ngày 20/2, xã Mường Phăng sẽ hoàn thành gieo cấy 100% diện tích.

Ông Phạm Đình Lai, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hiện nay trên đồng ruộng bắt đầu xuất hiện các đối tượng: Chuột, ốc bươu vàng, tuyến trùng rễ, nghẹt rễ gây hại nhẹ tại địa bàn các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà, Mường Nhé, TP. Điện Biên Phủ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố về việc chủ động phòng trừ, phòng bệnh hại lúa đông xuân; Chi cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản hướng dẫn phòng, chống sâu bệnh hại lúa đông xuân. Trong đó quyết liệt triển khai các biện pháp phòng trừ đối với bệnh đạo ôn lá. Đối với loại bệnh này, các địa phương cần chỉ đạo người dân bám sát đồng ruộng, cập nhật tình hình thời tiết, dự báo sinh vật gây hại. Đồng thời hướng dẫn nông dân phun phòng trừ kịp thời trên những diện tích chớm xuất hiện. Song song với công tác phòng trừ sâu bệnh, các địa phương cần tập trung hướng dẫn người dân tăng cường các biện pháp chăm sóc để cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Đặc biệt chú ý việc đảm bảo điều tiết đủ nước cho đồng ruộng, bón phân và phun thuốc bảo vệ theo đúng nguyên tắc và quy trình kỹ thuật. Ngoài ra, đối với những địa bàn đang gieo cấy trà lúa muộn, UBND cấp huyện cần quan tâm, chỉ đạo sát sao để người dân hoàn thành gieo cấy đúng lịch thời vụ, đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng, phát triển đúng theo quy trình sản xuất đã ban hành từ đầu vụ.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top