Phát triển kinh tế rừng bền vững

07:32 - Thứ Tư, 08/02/2023 Lượt xem: 3416 In bài viết

ĐBP - Điện Biên có diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp gần 695.000ha, (chiếm 72,8% diện tích đất tự nhiên); trong đó, diện tích đất có rừng gần 410.000ha. Phát huy thế mạnh này, những năm qua tỉnh đã ban hành các chính sách khuyến khích người dân đầu tư phát triển kinh tế rừng một cách bền vững, hiệu quả. Đến nay nhiều mô hình phát triển kinh tế rừng, như: Trồng thảo quả, sa nhân, dược liệu... dưới tán rừng đã đem lại hiệu quả, vừa góp phần tạo sinh kế và giảm nghèo bền vững cho người dân sống phụ thuộc vào rừng vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Người dân xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé trồng cây keo phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Công tác phát triển rừng luôn được các cấp quan tâm chỉ đạo trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng và nâng cao chất lượng rừng trồng; khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trồng rừng gỗ lớn theo hướng thâm canh, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Riêng trong năm 2022, thực hiện Đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh đã chăm sóc rừng trồng gần 702ha; khoanh nuôi tái sinh rừng 15.386ha; trồng mới hơn 391ha rừng tập trung; trồng hơn 906.000 cây phân tán.

Một trong những định hướng phát triển kinh tế lâm nghiệp đã và đang triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả trong thực tiễn trên địa bàn tỉnh là phát triển cây trồng dưới tán rừng như: Sa nhân, dược liệu, thảo quả, quế… Đến nay, toàn tỉnh có trên 250ha diện tích trồng cây sa nhân, thảo quả, quế…. dưới tán rừng. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng sa nhân đỏ ở bản Huổi Xuân, xã Huổi Mí (huyện Mường Chà) với diện tích 3ha; mô hình trồng thảo quả, sâm ở các bản; Ten Hon, Xá Tử, Huổi An, xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) với diện tích gần 86ha.

Ngoài việc người dân tự trồng các loại cây dược liệu, sa nhân dưới tán rừng, trong những năm qua, từ các nguồn vốn, toàn tỉnh đã hỗ trợ 12 dự án phát triển kinh tế lâm nghiệp, trong đó có 11 dự án phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Cùng với đó, để nâng cao giá trị sản xuất trong lâm nghiệp, tỉnh đã định hướng phát triển cây mắc ca trở thành một trong những loài cây trồng quan trọng, đa mục đích. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 13 dự án đầu tư trồng cây mắc ca được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô 85.815ha. Qua thực tiễn thu hoạch mắc ca những năm đầu cho thấy sản lượng quả tươi đạt khoảng 9,4 tấn/ha, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, bảo vệ môi trường.

Mục tiêu của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đạt giá trị sản xuất ngành Lâm nghiệp trên 4.000 tỷ đồng; tập trung phát triển cây mắc ca trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh trồng được khoảng 70.000ha cây mắc ca. Đồng thời, mở rộng diện tích trồng cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có giá trị và tiềm năng đầu ra theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp và thu nhập của người dân, giảm áp lực khai thác dược liệu, lâm sản ngoài gỗ thuộc tài nguyên rừng, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên này trong tự nhiên. Phấn đấu đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh phát triển thêm khoảng 2.000ha cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị như: Sa nhân, thảo quả, đẳng sâm, sơn tra, dổi xanh, trám, mạy chả...

Để đạt mục tiêu đề ra, ngành chức năng, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng; tổ chức rà soát, điều chỉnh vùng quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoàn thành công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, đảm bảo tất cả các diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp (đất có rừng và đất chưa có rừng) đều có chủ để tổ chức quản lý, sử dụng hiệu quả; triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của trung ương. Rà soát, xây dựng, ban hành các chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh để động viên, khuyến khích người dân tham gia các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển lâm nghiệp đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các cơ sở chế biến lâm sản gắn với quá trình cơ cấu lại ngành Lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; tiếp tục thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên đến năm 2030; phát huy tối đa các dịch vụ lâm nghiệp, dịch vụ môi trường rừng để tạo nguồn thu, tái đầu tư cho phát triển lâm nghiệp.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận
Back To Top