Gỡ điểm nghẽn giải phóng mặt bằng

07:45 - Thứ Hai, 13/02/2023 Lượt xem: 4377 In bài viết

ĐBP - Giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn là khâu khó khăn đối với các dự án đầu tư. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều dự án, trong đó cả những dự án trọng điểm vẫn bị vướng mắc công tác GPMB.

Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Hải Lộc thi công Dự án Nâng cấp đường Đông Điện Biên.

Thời gian qua, tỉnh ta có nhiều dự án chậm tiến độ, thậm chí kéo dài nhiều năm so với kế hoạch đề ra, đơn cử như: Dự án Đường 60m; Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung khu trụ sở cơ quan, khu công cộng, khu thương mại dịch vụ dọc trục đường 60m; Dự án Bến xe khách và Khu dân cư đô thị tại xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ... Nguyên nhân chính là do chậm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù GPMB, nhà thầu không có mặt bằng sạch để thi công dự án.

Các đơn vị chủ đầu tư đều cho rằng những vướng mắc chính khiến công tác GPMB trở thành điểm nghẽn trong quá trình đầu tư đó là: Chế độ chính sách chưa sát thực tế, chưa phù hợp; các văn bản pháp luật còn chồng chéo và nhất là công tác phối hợp, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quyết tâm, sát sao với công việc. Chính vì vậy, giai đoạn đầu tư mới 2021 - 2025, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, sát sao công tác GPMB các dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh. Từ đó, nhiều “nút thắt”, “điểm nghẽn” trong công tác GPMB được tháo gỡ, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ dự án, tăng tỷ lệ giải ngân vốn. Điển hình như Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên chỉ trong thời gian ngắn tỉnh đã bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư và tổ chức tái định cư, ổn định cuộc sống mới cho trên 1.000 hộ dân vùng dự án. Đến nay, dự án đang được các nhà thầu triển khai đúng kế hoạch.

Dự án Nâng cấp đường Đông Điện Biên (ĐT.147) có chiều dài 11,68km, với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng được UBND tỉnh phê duyệt cuối tháng 5/2021. Dự án phải thu hồi, GPMB với diện tích 16,14ha. Thời gian chuẩn bị đầu tư từ năm 2020 - 2021; thời gian thực hiện dự án 3 năm (2021 - 2024) song đến quý III/2022, các nhà thầu vẫn chưa được bàn giao mặt bằng để khởi công dự án. Qua kiểm tra, rà soát, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu đơn vị chủ đầu tư và cấp ủy, chính quyền huyện Điện Biên tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công dự án vào cuối năm 2022.

Ông Nguyễn Thái Bình, Giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình giao thông tỉnh cho biết: Ban thường xuyên phối hợp với UBND huyện Điện Biên thực hiện các nhiệm vụ, công việc GPMB. UBND huyện thành lập tổ công tác phối hợp chủ đầu tư, các nhà thầu tổ chức họp dân, tuyên truyền vận động; phổ biến và công khai minh bạch các phương án, chế độ chính sách để người dân nắm và đồng thuận triển khai dự án. Đối với các hộ dân chưa đồng thuận hoặc gây khó khăn, tổ công tác tổ chức vận động cá biệt từng nhà, từng cá nhân. Các nhà thầu tạo điều kiện hỗ trợ các hộ dân trong quá trình di chuyển, bàn giao mặt bằng... Đồng thời, các sở, ngành của tỉnh cũng vào cuộc quyết liệt, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến đất rừng, đất nông nghiệp. Nhờ đó đến hết năm 2022, dự án đã giải phóng và bàn giao được gần 60% mặt bằng sạch để các nhà thầu thi công, nhất là đối với diện tích rừng sản xuất - nơi tập trung khối lượng thi công lớn nhất của dự án. Từ tháng 11/2022 các nhà thầu tập trung thi công, đến nay khối lượng ước đạt 35% kế hoạch, tại một số đoạn tuyến tiến độ vượt kế hoạch đề ra.

Tương tự, Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp ĐT.143 Noong Bua - Pu Nhi - Na Son (đoạn Nà Nghè - Pu Nhi - Noong U - Na Son) do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Thời điểm mới triển khai, dự án cũng gặp nhiều vướng mắc trong công tác GPMB, nhất là một số hộ dân vùng dự án không nhất trí thu hồi đất; nguồn gốc đất của một số hộ gia đình, cá nhân phức tạp, đặc biệt tại khu vực bản Nậm Ngám A, B, Phù Lồng A (xã Pu Nhi) và các gia đình được giao đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất có nguồn gốc hình thành rừng (theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng.

Theo ông Phạm Văn Phúc, Giám đốc Ban Bảo trì đường bộ (Sở Giao thông vận tải): Xác định rõ những khó khăn trong công tác GPMB, chủ đầu tư đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ công tác đo đạc, quy chủ của các đơn vị tư vấn, đảm bảo chất lượng và tiến độ. UBND TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên Đông chỉ đạo quyết liệt các đơn vị, phòng chuyên môn đẩy nhanh công tác đo đạc, kiểm đếm, làm phương án bồi thường GPMB. Sau khi phương án được phê duyệt, chính quyền địa phương công khai phương án đến từng hộ gia đình, cá nhân. Chủ đầu tư và các nhà thầu lắng nghe và giải quyết dứt điểm các vướng mắc của từng hộ dân. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân đồng thuận, tạo điều kiện để các đơn vị thi công dự án. Nhờ những giải pháp quyết liệt, kịp thời, đến nay công tác GPMB trên toàn tuyến đạt gần 90%. Hiện nay, các nhà thầu đang tập trung máy móc, nhân lực thi công, đẩy nhanh tiến độ.

Ông Sùng Cá Súa, người dân bản Nậm Bó, xã Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông) cho biết: Dự án đi vào một phần đất ở và đất nông nghiệp của gia đình tôi và gia đình con trai tôi. Ban đầu chúng tôi chưa đồng thuận với các chế độ chính sách khi thực hiện dự án, song được chính quyền các cấp vận động, nhà thầu cam kết hỗ trợ gia đình trong quá trình thi công trình nên tôi đã đồng ý bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top