Thương hiệu cho nông sản

07:42 - Thứ Tư, 22/02/2023 Lượt xem: 5514 In bài viết

ĐBP - Điện Biên có tiềm năng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao: Cà phê, chè, gạo… Những năm qua, cùng với đầu tư nâng cao chất lượng nông sản, tỉnh quan tâm phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đây được coi là “bệ phóng” để nông sản của tỉnh vươn xa, nhằm nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, đa số các sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn về xây dựng thương hiệu, xây dựng chuỗi liên kết để có đầu ra bền vững.

Điện Biên có nhiều nông sản đặc trưng nhưng chưa phát huy được giá trị. Trong ảnh: Người dân xã Na Sang, huyện Mường Chà thu hoạch dứa.

Những năm gần đây, vấn đề xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các mặt hàng nông sản được chính quyền, doanh nghiệp và người dân tỉnh Điện Biên chú ý bằng việc hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, theo hướng VietGAP, áp dụng khoa học công nghệ. Trong đó, việc đẩy mạnh triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) bằng cách dành nguồn kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã hoàn thiện tem nhãn, mẫu mã bao bì, truy xuất nguồn gốc, công bố chất lượng và tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại. Đến nay, toàn tỉnh đã có 56 sản phẩm OCOP (trong đó 4 sản phẩm đạt 4 sao và 52 sản phẩm đạt 3 sao). Những năm gần đây, các cơ quan, chính quyền địa phương phối hợp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhất là sản phẩm OCOP. Hàng năm, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội chợ Xúc tiến thương mại nông sản đặc trưng, chủ lực tại tỉnh Điện Biên; xây dựng kế hoạch tổ chức phiên chợ hàng Việt trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức đoàn doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc sản của tỉnh tham gia hội chợ thương mại ở những thị trường lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên và các tỉnh Bắc Lào. Qua đó, nhiều sản phẩm được người dân trong và ngoài tỉnh biết đến.

Để tạo điều kiện cho sản phẩm cà phê Mường Ảng có chỗ đứng trên thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Điện Biên phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ và cấp ủy chính quyền địa phương xây dựng chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng. Trong năm 2022, cà phê Mường Ảng được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt về việc đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Các sản phẩm được đăng ký bảo hộ đợt này gồm: Cà phê nhân, cà phê hạt rang, cà phê bột... Cùng với việc hoàn thiện các tiêu chí để được cấp chỉ dẫn địa lý, huyện Mường Ảng tập trung giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên sàn giao dịch điện tử, qua các kênh hội chợ thương mại để đưa sản phẩm cà phê Mường Ảng vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế.

Mặc dù có nhiều sản phẩm nông sản nổi tiếng nhưng số lượng sản phẩm nông sản đã xây dựng được thương hiệu và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tỉnh ta còn hạn chế. Thậm chí còn xảy ra tình trạng vi phạm chỉ dẫn địa lý. Đơn cử, theo Quyết định số 3340, ngày 25/9/2014 của Cục Sở hữu trí tuệ công nhận chỉ dẫn địa lý gạo Điện Biên chỉ dùng cho 2 sản phẩm gạo Bắc Thơm số 7 và IR 64. Song hiện nay, trên thị trường nhãn hiệu “Gạo Điện Biên” lại đang sử dụng cho rất nhiều loại gạo khác nhau như: Hương Việt, Séng Cù, Tẻ dâu hay nếp nương. Vi phạm chỉ dẫn địa lý đã và đang khiến thương hiệu gạo Điện Biên ngày càng giảm uy tín, thậm chí “nhạt nhòa” trên thị trường cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích chính đáng của cả người sản xuất và kinh doanh sản phẩm.

Bên cạnh đó, việc xây dựng, quản lý và phát triển các thương hiệu, nhãn hiệu nông sản vẫn còn không ít khó khăn. Đó là năng lực phần lớn tổ chức, doanh nghiệp là chủ sở hữu nhãn hiệu chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn trong quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu tập thể. Việc lựa chọn sai hình thức bảo hộ; quy mô sản xuất nhỏ; chỉ tập trung chính vào khâu đăng ký. Sau bảo hộ, sản phẩm gặp khó khăn trong quảng bá và tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn và nâng cao giá trị. Nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất của các chủ sở hữu nhãn hiệu, sản xuất sản phẩm nói chung chưa đáp ứng được mục tiêu đầu tư cơ bản lâu dài. Nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã chưa thật sự thấy rõ vai trò và ý nghĩa của việc xây dựng cũng như bảo vệ thương hiệu hàng nông sản trong giai đoạn hội nhập. Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật còn hạn chế, thiếu đầu tư cho công tác tiếp thị, nghiên cứu thị trường...

Thời gian tới các cấp, ngành chuyên môn cần thay đổi nhận thức, giúp nông dân hiểu được tầm quan trọng và lợi ích của việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu để tạo ra chất lượng hàng hóa. Hỗ trợ người dân quy trình sản xuất an toàn nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao; hỗ trợ về cơ chế, chính sách; tập trung xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với huy động, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ sản xuất. Thúc đẩy liên kết “4 nhà”; tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua nhiều kênh bán hàng hiện đại, để nông sản có thương hiệu, khẳng định vị thế trên thị trường.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top