Mùa chít trổ bông

07:00 - Thứ Bảy, 25/02/2023 Lượt xem: 5336 In bài viết

ĐBP - Điện Biên Đông mùa này, đâu đâu cũng thấy bông chít. Trên các triền nương, dọc các trục đường hay mỗi mái nhà, bông chít bung nở trong nắng. Không biết từ bao giờ, cây chít đã gắn bó với đời sống người dân vùng cao nơi đây.

Chít được người dân phơi hai bên đường vào các bản trên địa bàn xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông.

Chúng tôi đến thăm nhà ông Chá Giống Chư, xã Háng Lìa - hộ chuyên thu mua bông chít từ những người dân ở trong xã. Lách chân mãi mới vào được tới sân, bởi ngay từ ngoài cổng chỗ nào cũng ngổn ngang các bó chít. Ông Chư cho biết: “Nhà tôi thu mua bông chít đã nhiều năm. Có được cuộc sống như ngày hôm nay cũng là nhờ chít đấy. Là loại cây mọc hoang dã trong tự nhiên nhưng thân và bông chít là nguyên liệu chính làm ra cây chổi chít. Do điều kiện tự nhiên thuận lợi nên xã Háng Lìa là một trong những nơi cây chít mọc tập trung nhiều. Đây là “lộc rừng” mà thiên nhiên ban tặng cho người dân đấy. Bây giờ thì nhiều người đã trồng chít thành nương rồi.”

Năm nay, bông chít được mùa, giá cả ổn định nên người thu hái bông chít rất vui. Nhiều hộ gia đình ăn Tết xong là vào rừng chặt chít về bán cho các thương lái.

Chị Mùa Thị Dúa, bản Háng Lìa là người có thâm niên gần 30 năm theo nghề thu hái bông chít tâm sự: “Cây chít một năm chỉ cho thu hoạch bông một lần, từ tháng 1 đến hết tháng 2 âm lịch. Đang vào giữa mùa chít nên gia đình tôi tập trung đi chặt bông chít nếu không mọi người sẽ thu hoạch hết”. Nhìn người phụ nữ dân tộc Mông dáng nhỏ bé, làn da rám nắng đang gạt những giọt mồ hôi trên trán, tôi hỏi: “Chặt chít vất vả lắm nhỉ?”. Chị Dúa kể: “Háng Lìa cũng nhiều chít nhưng người khai thác cũng đông nên mới đầu mùa đã hết. Bây giờ, để chặt được chít, chúng tôi phải đi rừng từ mờ sáng. Có khi phải đi xa đến tận rừng gần xã Mường Lói, Mường Nhà (huyện Điện Biên). Hay phải đi xe máy sang gần xã Sam Kha (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La để tìm chít”.

Cây chít được cắt ở phần giữa thân đến hết bông rồi bó lại vận chuyển về nhà bán cho các thương lái với giá từ 5.000 đồng/kg chít tươi. Để được 1 bó chít phải đi nhiều nơi chặt gom lại. Công việc cực nhọc, nhưng hầu hết những người chặt chít đều là phụ nữ. Chị Dúa kể: “Những ngày trời mưa, đường trơn, trượt ngã là chuyện thường. Có lần tôi đang vác trên vai khoảng 20kg bông chít thì trượt chân ngã. Lá cây chít sắc lắm, chặt bông chít mà không bị xước tay, chảy máu mới là chuyện lạ. Nhưng chúng tôi quen rồi!” 

Chị Hạ Thị Sua, bản Phì Nhừ B xã Phì Nhừ thu hái chít.

Gia đình chị Vừ Thị Phương ở bản Na Nghịu, xã Phì Nhừ năm nào cũng vậy, cứ vào mùa chít là huy động hết nhân lực để đi chặt chít. Mùa chít cũng bận rộn như mùa thu hoạch lúa, thường thì gia đình chị Phương sẽ mang theo cơm nắm lên nương, lên rừng, thu chít đến chiều mới về nhà. Trung bình một ngày, mỗi người thu hoạch được từ 20 - 30kg bông chít. Cả vạt nương hơn 3,5ha của gia đình chị Phương trước đây để trồng lúa, nhưng vì đất đã bạc màu năng suất thấp nên chị đã chuyển sang trồng chít. Năm đầu trồng thì sản lượng thấp, nhưng từ năm thứ 2 trở đi, sau mỗi mùa chít gia đình lại có thêm một khoán thu nhập.

Nói về lợi thế của cây chít, anh Lò Văn Chỉnh, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên Đông - chủ nhân của 2 giải thưởng toàn quốc về Dự án nghiên cứu, phát triển cây chít khi anh còn là sinh viên Trường Đại học Tây Bắc, cho biết: “Cây chít là cây mọc tự nhiên, khai thác nhiều rồi cũng cạn kiện nguồn nguyên liệu, vì thế tôi rất mong chính quyền các cấp xem xét hỗ trợ cho người dân nghề làm chổi chít và định hướng đầu ra cho sản phẩm này. Từ đó, chúng ta có thể thành lập làng nghề chổi chít. Khi đã thành làng nghề rồi sẽ có quy hoạch vùng nguyên liệu trồng chít”. Cũng theo anh Chỉnh, có thể tận dụng các diện tích đất hoang hoá để trồng chít và chỉ sau một năm là cho thu hoạch bông mang lại thu nhập cho người dân. Nếu như có nghề làm chổi chít, nhiều người sẽ có việc làm, tăng thêm thu nhập. Tìm hiểu nguyện vọng người dân địa phương, nhiều người mong muốn có một cơ sở sản xuất chổi tại địa bàn để thu mua nguyên liệu từ cây chít, giúp bà con phát triển kinh tế.

Ở Điện Biên Đông, chít mọc nhiều nhất là các xã Pú Hồng, Phình Giàng, Háng Lìa, Tìa Dình, Phì Nhừ. Thời điểm này chít đang vào vụ, người dân tỏa đi khắp đồi, nương chặt chít; bông chít được phơi khắp nơi. Công việc hái chít, phơi, bảo quản bông chít tuy vất vả, nhưng mang lại niềm vui cho người dân vùng cao, bởi đó là một nguồn thu nhập khá cao.

Tú Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top