Nà Nhạn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng

08:50 - Thứ Hai, 27/02/2023 Lượt xem: 3694 In bài viết

ĐBP - Nhằm tăng thu nhập cho người dân, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích, những năm gần đây xã Nà Nhạn (TP. Điện Biên Phủ) đã tích cực triển khai các mô hình, dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Các mô hình bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế, được người dân duy trì, nhân rộng trên địa bàn.

Người dân xã Nà Nhạn chăm sóc vườn cây ăn quả.

Bản Nà Ngám 1, xã Nà Nhạn có gần 3ha đất lúa một vụ. Từ năm 2021 trở về trước, diện tích này người dân chỉ sản xuất lúa vụ mùa còn vụ đông xuân do không đủ nước nên bỏ hoang. Người dân bản Nà Ngám 1 đã nhiều lần chuyển đổi, canh tác tăng vụ một số loại cây trồng nhưng thất bại. UBND xã Nà Nhạn đã phối hợp với phòng Kinh tế TP. Điện Biên Phủ tiến hành khảo sát, phân tích các yếu tố liên quan và lựa chọn loại cây trồng phù hợp để người dân sản xuất. Đầu năm 2022, xã Nà Nhạn triển khai mô hình thí điểm trồng cây bí thơm trên đất ruộng một vụ của bản Nà Ngám 1. Mô hình thu hút 17 hộ dân tham gia với tổng diện tích 2ha. Sau 4 tháng triển khai, mô hình cho thu hoạch với năng suất 1 tấn bí/ha.

 Ông Lường Văn Hiến, Trưởng bản Nà Ngám 1 cho biết: Hiện nay, mô hình bí thơm đã lan rộng đến từng hộ dân trong bản. Ngoài việc trồng tập trung tại diện tích đất ruộng một vụ, người dân còn trồng bí tại vườn nhà; diện tích bí của cả bản ước tính trên 3ha. Trước đây, người dân chỉ sản xuất 1 vụ/năm và vụ đông xuân bỏ hoang đất nhưng nay diện tích này đã canh tác được 2 vụ/năm. Trồng bí cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần trồng lúa. Đơn cử như gia đình tôi, với 1.000m2 ruộng 1 vụ nếu trồng lúa chỉ thu được 3 - 4 tạ thóc, thu nhập khoảng 2,4 - 2,8 triệu đồng nhưng trồng bí cho thu nhập khoảng 7 triệu đồng.

Hiện nay, dân bản Nà Ngám 1 đang tích cực chuẩn bị gieo trồng vụ bí mới. Một số hộ dân không có đất lúa 1 vụ thì khai hoang, phục hóa các bãi bồi ven suối thành ruộng để năm tới triển khai trồng cây bí thơm.

Bản Huổi Hộc có 17 hộ dân, định cư tách biệt với các bản khác, cách trung tâm xã Nà Nhạn khoảng 4km. Điều kiện không mấy thuận lợi song người dân đã biết tận dụng lợi thế, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo thu nhập. Năm 2022, bản Huổi Hộc đã chuyển đổi 1ha đất ruộng 1 vụ để trồng cây dưa xá. Vụ dưa đầu thu cho thu hoạch sản lượng ước đạt 2,2 tấn. Hiện nay, các hộ dân bản Huổi Hộc tiếp tục mở rộng diện tích trồng dưa xá thay cho lúa 1 vụ và ngô.

Ông Lò Văn Diện, người dân bản Huổi Hộc cho biết: Trước đây, người dân đã nhiều lần chuyển đổi cây trồng trên diện tích lúa một vụ như: Lạc đỏ, ngô, rau màu. Sản xuất loại cây trồng nào cũng cho hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa. Tuy nhiên, năm 2022 sau khi thử nghiệm cây dưa xá nhận thấy giống cây này rất phù hợp với thổ nhưỡng, cho hiệu quả kinh tế cao hơn cả. Do đó người dân đã quyết định gắn bó và nhân rộng loại cây trồng này. Cùng một diện tích ruộng, sản xuất 1 vụ dưa hiệu quả bằng 4 vụ sản xuất lúa.

Cùng với chuyển đổi cây trồng, bản Huổi Hộc cũng tích cực chuyển đổi cơ cấu vật nuôi. Hiện nay, 100% hộ dân có ao nuôi cá thương phẩm với diện tích từ 1.500 - 3.000m2; mỗi hộ chăn nuôi từ 2 - 5 con trâu, bò. Ngoài ra, nhiều hộ còn có mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm khép kín; nuôi gà, vịt... Nhờ hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cuộc sống người dân bản Huổi Hộc được nâng cao. Hiện nay, bản không còn hộ nghèo, cận nghèo, không có tệ nạn xã hội.

Những năm gần đây, xã Nà Nhạn đã và đang thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng khá đồng bộ. Hiện nay toàn xã thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa một vụ sang các loại cây trồng khác như: Cây lạc 2 vụ với diện tích gần 50ha; rau màu 16ha; bí thơm 3ha. Cây trồng trên nương cũng từng bước được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả và các loại cây lâm nghiệp có khả năng chế biến sâu như: Cây ăn quả có múi 27,8ha; phối hợp với Công ty Cổ phần Liên Việt Điện Biên trồng 59ha cây mắc ca.

Bà Lường Thị Thúy, Chủ tịch UBND xã Nà Nhạn cho biết: Xã Nà Nhạn xác định tiếp tục thực hiện chuyển đổi cây trồng. Đối với cây trồng trên nương thì vận động người dân tham gia cùng doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các dự án trồng mắc ca và các loại cây ăn quả. Đối với cây lương thực, tiếp tục chuyển đổi sang các loại cây có giá trị kinh tế cao, đồng thời xem xét, lựa chọn để xây dựng sản phẩm đặc trưng của xã đạt chuẩn OCOP.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận
Back To Top