Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân vùng cao

07:41 - Thứ Sáu, 03/03/2023 Lượt xem: 3481 In bài viết

ĐBP - Pa Pốm là bản vùng cao thuộc xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ). Bản có 100% dân tộc Mông sinh sống. Thuộc địa bàn thành phố nhưng Pa Pốm từng được biết đến là một bản nghèo với nhiều “không” như: Không đường bê tông, không nước sạch, không điện lưới quốc gia...

Ông Bùi Hữu Văn, bản Rạng Đông, xã Rạng Đông (huyện Tuần Giáo) chăm sóc vườn xoài theo mô hình liên kết.

Đến nay đời sống của người dân Pa Pốm đã có nhiều thay đổi. Hầu hết các gia đình trong bản đã có nhà ở khang trang; đường giao thông từ trung tâm xã đến bản và đường nội bản được bê tông kiên cố, sạch sẽ. Điện lưới quốc gia được đầu tư, nhiều người dân mua sắm các thiết bị điện tử, máy móc phục vụ sản xuất, sinh hoạt; nhiều hộ có thu nhập cao từ các mô hình sản xuất, chăn nuôi. Có được sự thay đổi toàn diện ở Pa Pốm, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước về cơ sở hạ tầng thông qua các chương trình 135, 30a, nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tập trung phát triển kinh tế, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Nhờ đó người dân trong bản dần xóa bỏ tư duy cũ, đổi mới cách nghĩ, cách làm trong phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo nhanh, bền vững; các hủ tục được bài trừ, khoa học kỹ thuật được áp dụng vào cuộc sống. Tiêu biểu là trường hợp gia đình chị Vừ Thị Sùng. Trước đây, gia đình chị Sùng là hộ nghèo của bản, sau khi được tuyên truyền, vận động, được tham gia các lớp tập huấn và tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế, chị Sùng đã mạnh dạn vay tiền ngân hàng mua bò giống về nuôi, chuyển đổi diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi bò. Nhờ thay đổi cách nghĩ, cách làm, đến nay gia đình chị Sùng đã thoát nghèo.

Ông Bùi Hữu Văn, bản Rạng Đông, xã Rạng Đông (huyện Tuần Giáo) cũng là một điển hình về đổi mới tư duy sản xuất. Từ năm 2017 trở về trước, gia đình ông Văn chủ yếu canh tác lúa nương nhưng kém hiệu quả. Năm 2018, khi được cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đồng thời được hỗ trợ giống, phân bón, liên kết tiêu thụ sản phẩm, gia đình ông Văn đã chuyển đổi sang trồng cây xoài.

Ông Bùi Hữu Văn chia sẻ: Cuối năm 2018, khi thực hiện dự án liên kết sản xuất trồng xoài, nhiều hộ dân trong bản băn khoăn về sự thành công của mô hình nhưng tôi quyết tâm tham gia để vươn lên phát triển kinh tế. Tôi thường xuyên đi học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn quả từ những hộ đã thành công ở các địa phương khác. Đến nay, vườn xoài của gia đình bắt đầu cho thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế. Nhận thấy hiệu quả, nhiều hộ dân trong bản đã tham gia và thành lập tổ hợp tác liên kết sản xuất.

Xác định một trong những nguyên nhân dẫn đến đời sống người dân vùng cao, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn là do tư tưởng, nhận thức còn hạn chế, chưa mạnh dạn thay đổi để phát triển. Vì vậy, thời gian qua các cấp, ngành liên quan đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho bà con. Nhất là tổ chức thực hiện hiệu quả các mô hình, dự án hỗ trợ sản xuất để người dân học hỏi, thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó nhiều hộ dân đã thay đổi phương thức lao động sản xuất, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật, chọn cây giống, con giống phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để sản xuất, chăn nuôi. Nhiều hộ dân sử dụng có hiệu quả nguồn hỗ trợ của nhà nước, nguồn vốn vay ngân hàng để đầu tư sản xuất. Tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước ngày càng giảm. Trong giai đoạn từ 2016 - 2021, toàn tỉnh có khoảng 6.680 hộ dân tộc thiểu số đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ hủ tục và vượt qua đói nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 30,58% (năm 2022).

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top