Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng

07:48 - Thứ Hai, 06/03/2023 Lượt xem: 3613 In bài viết

ĐBP - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng được tỉnh xác định là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp các sở, ngành liên quan, các địa phương thực hiện tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Người dân bản Pá Ngam 2, xã Núa Ngam thu hoạch cây gai xanh.

Trước đây, hầu hết diện tích đất canh tác của bản Pá Ngam 2, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) được người dân sử dụng trồng lúa nương, sắn, ngô, song hiệu quả không cao. Từ năm 2022, người dân Pá Ngam 2 đã chuyển đổi hơn 14ha đất trồng ngô, sắn sang trồng cây gai xanh. Điện tích cây gai xanh cho thu hoạch năng suất bình quân đạt 500kg - 600kg vỏ cây gai xanh/ha. Nếu chăm sóc đúng quy trình với mức thâm canh như khuyến cáo thì từ năm thứ 2 trở đi cây gai xanh cho doanh thu tối thiểu 142 triệu/ha/năm, lợi nhuận khoảng 45 - 75 triệu/ha. Trường hợp bóc tách và coi chi phí nhân công thuộc nội tại hộ sản xuất, lợi nhuận thu được tương ứng trên 90 triệu/ha/năm. Việc chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh theo hướng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm được kỳ vọng đem lại hiệu quả kinh tế, cải thiện cuộc sống cho người dân Pá Ngam 2.

Năm 2019, gia đình anh Đinh Công Lượng, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng ổi Đài Loan. Đây là giống ổi mới, có đặc tính giòn, ngọt, năng suất cao. Từ 100 gốc ổi trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay, gia đình anh Lượng đã phát triển lên hơn 900 gốc, trên diện tích gần 6.000m2.

Anh Lượng cho biết: “Sản xuất lúa do không đảm bảo nguồn nước tưới nên năng suất thấp. Sau một thời gian nghiên cứu tìm hiểu về mô hình trồng ổi Đài Loan mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần trồng lúa, tôi đã chuyển đổi hẳn sang trồng ổi để nâng cao thu nhập”.

Từ năm 2022 đến nay, tổng diện tích chuyển đổi đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.583ha; trong đó chủ yếu chuyển đổi trên đất lúa nương: hơn 1.506ha (tăng 397,9ha so với năm 2021). Diện tích chuyển đổi sang trồng cây hàng năm (dong riềng, khoai lang, sắn, cỏ chăn nuôi...) hơn 471ha; diện tích chuyển đổi sang trồng cây lâu năm (cây ăn quả, cây dược liệu, cây mắc ca...) là 1.112ha. Diện tích sau khi được chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm đã giúp người dân ổn định thu nhập (tùy theo loại cây trồng tăng từ 3 - 5 lần so với sản xuất lúa nương). Từ các diện tích chuyển đổi đã bước đầu hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung như: xoài, bưởi, cam, chanh leo (Tuần Giáo, Mường Ảng); dứa (Điện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo)... Đặc biệt, nhận thức của người dân đã có sự chuyển biến tích cực thông qua các hoạt động tập huấn, tuyên truyền, hỗ trợ chuyển đổi phương thức sản xuất. Người dân chủ động thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, tham gia các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, góp phần tạo công việc ổn định, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống. Tổng thu nhập trên diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến thời kỳ thu hoạch tăng từ 50 - 300 triệu đồng/ha/năm.

Hạn chế trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa cần sớm được khắc phục là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số địa phương chưa thực sự sát sao, quyết liệt; việc tuyên truyền vận động, phổ biến các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến người dân chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao; một bộ phận dân cư vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào nguồn đầu tư hỗ trợ của nhà nước. Một số loại cây trồng chuyển đổi dự kiến trong kế hoạch song không được triển khai thực hiện đầy đủ. Việc huy động nguồn kinh phí từ các tổ chức, doanh nghiệp và các hộ gia đình tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại một số huyện còn hạn chế. Diện tích chuyển đổi vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa phát huy hết tiềm năng; năng suất, chất lượng của nhiều loại cây trồng chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường; trình độ canh tác, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân còn hạn chế; việc chế biến sâu sau thu hoạch còn ít.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top