Khơi thông dòng tín dụng ứ đọng

14:24 - Thứ Tư, 08/03/2023 Lượt xem: 5075 In bài viết

Từ ngày 15-1-2023, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm có hiệu lực thi hành. Đây là cơ sở giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản, tạo hành lang pháp lý vững chắc, đồng bộ để ngân hàng xử lý, thu hồi nợ xấu, góp phần khơi thông dòng tín dụng đang ứ đọng phục vụ nền kinh tế.

Thời gian qua, Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm giải phóng nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có đổi mới, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi hiệu quả các quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm. Tuy nhiên, trong bối cảnh một số văn bản thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ được ban hành mới và sửa đổi, bổ sung, một yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục hoàn thiện quy trình đăng ký biện pháp bảo đảm nhằm thống nhất, đồng bộ hơn với các văn bản liên quan, đáp ứng kịp thời sự phát triển nhanh, đa dạng các chuỗi cung ứng vốn cho nền kinh tế. So với Nghị định số 102/2017/NĐ-CP đăng ký biện pháp bảo đảm, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP bổ sung mới 12 điều, bãi bỏ 9 điều, kế thừa theo hướng sửa đổi nội dung và kỹ thuật văn bản của 61 điều… để phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19-3-2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Nổi bật là quy định cụ thể đăng ký biện pháp bảo đảm đối với bất động sản thuộc quyền sử dụng, sở hữu chung của vợ chồng, các giao dịch bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên thứ ba; đề cập tư cách của chủ doanh nghiệp tư nhân trong việc đứng tên người yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm. Nghị định cũng nêu chi tiết về trách nhiệm của cơ quan đăng ký trong việc không yêu cầu sửa lại tên hợp đồng bảo đảm, nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp vi phạm nguyên tắc này; tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai số hóa hồ sơ, thủ tục liên quan đến hoạt động nhận bảo đảm, đăng ký biện pháp bảo đảm tại các tổ chức tín dụng; góp phần giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức tín dụng trong quá trình thẩm định vay vốn; xử lý, thu hồi nợ xấu, góp phần khơi thông dòng tín dụng đang ứ đọng để phục vụ nền kinh tế.

Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Hải đánh giá, những nội dung mới tại Nghị định số 99/2022/NĐ-CP đồng thời nắm bắt, bao quát được những yêu cầu mới, như: Bổ sung các trường hợp đăng ký đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp không phải là nhà ở hoặc là nhà ở hình thành trong tương lai, dự án đầu tư, tàu bay, tàu biển, bất động sản là những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn và vướng mắc rất nhiều trước đây.

Liên quan đến vấn đề đăng ký tài sản hình thành trong tương lai đang được dư luận đặc biệt quan tâm, Trưởng phòng Đăng ký đất đai, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phạm Thị Thịnh thông tin, thực tế sẽ phát sinh trường hợp tổ chức, cá nhân đăng ký thế chấp nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc quyền sở hữu của mình mà trước đó tài sản này thuộc dự án đầu tư đã được chủ đầu tư thế chấp và đăng ký thế chấp thì Văn phòng Đăng ký đất đai chỉ thực hiện đăng ký nếu chủ đầu tư thuộc trường hợp đã thế chấp và đăng ký thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở hoặc nhà ở hình thành trong tương lai, dự án đầu tư xây dựng công trình không phải là nhà ở, dự án đầu tư nông nghiệp, dự án phát triển rừng, dự án khác có sử dụng đất hoặc công trình xây dựng thuộc các dự án này.

Do công tác đăng ký biện pháp bảo đảm có tính chất liên ngành, đáp ứng kịp thời yêu cầu cải cách hành chính, khơi thông nguồn vốn nên theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn; phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả từ các bộ, ngành chức năng và địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan như: Công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký chuyển dịch tài sản. Trên cơ sở đó, ghi nhận và phản ánh kịp thời những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top