Chủ động phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi

16:27 - Thứ Tư, 08/03/2023 Lượt xem: 2593 In bài viết

Theo Cục Thú y, các địa phương và người nuôi cần đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh chủ động đối với các bệnh nguy hiểm trên tôm và có giải pháp xử lý triệt để. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp ứng phó, tạo môi trường thuận lợi cho tôm phát triển.

Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2022, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại 23.438 ha, chiếm trên 97% trong tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại, tăng 15,5% so với năm 2021. Trong đó, thiệt hại do dịch bệnh 7.135 ha; thiệt hại nhưng không xác định được nguyên nhân 9.914 ha; thiệt hại do biến đổi môi trường, thời tiết 6.389 ha.

Diện tích tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh bị thiệt hại 8.552 ha; quảng canh và quảng canh cải tiến 14.647 ha; còn lại là tôm lúa và các hình thức nuôi khác 239 ha.

 Các địa phương và người nuôi cần đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh chủ động đối với các bệnh nguy hiểm trên tôm và có giải pháp xử lý triệt để. Ảnh minh họa: B.T

Cụ thể, đối với bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, trong năm 2022, bệnh xảy ra tại 148 xã của 46 huyện, thị xã thuộc 18 tỉnh, thành phố. Tổng diện tích tôm bị bệnh 1.950 ha, trong đó, diện tích tôm sú bị bệnh 622 ha; tôm thẻ bị bệnh 1.328 ha; tôm bệnh có độ tuổi từ 15-120 ngày sau thả.

Tỉnh Trà Vinh có diện tích bị bệnh lớn nhất (chiếm 22,8% tổng diện tích bị bệnh của các tỉnh), sau đó đến các địa phương khác. So với năm 2021, bệnh xảy ra hẹp hơn 4,5% về phạm vi và giảm 11% về diện tích có tôm mắc bệnh.

Từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh hoại tử gan tụy cấp xảy ra tại 17 xã của 6 tỉnh, thành phố với tổng diện tích tôm mắc bệnh gần 53 ha.

Đối với bệnh đốm trắng, trong năm 2022, bệnh xảy ra tại 181 xã của 52 huyện, thị xã thuộc 19 tỉnh, thành phố. Tổng diện tích tôm bị bệnh 2.397 ha, trong đó, diện tích nuôi tôm sú bị bệnh 864 ha; tôm thẻ bị bệnh 1.533 ha; tôm bệnh có độ tuổi từ 15-100 ngày sau thả. Tỉnh Sóc Trăng có diện tích tôm bị bệnh lớn nhất (gần 563 ha), chiếm 23,5% tổng diện tích bị bệnh của các tỉnh, sau đó đến các địa phương khác.

So với năm 2021, bệnh xảy ra ở phạm vi rộng hơn gần 18% và diện tích có tôm mắc bệnh tăng gần 28%.

Theo Cục Thú y, để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi, các địa phương và người nuôi cần đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh chủ động đối với các bệnh nguy hiểm trên tôm và có giải pháp xử lý triệt để. Tổ chức quan trắc và cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh tại vùng nguồn nước cấp, trong ao nuôi trước khi thả nuôi và trong toàn bộ mùa vụ, tập trung vào các vùng nuôi trọng điểm để chủ động xử lý khi dịch bệnh xảy ra hoặc khi thời tiết có diễn biến bất thường làm giảm sức đề kháng của tôm nuôi.

Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp ứng phó, tạo môi trường thuận lợi cho tôm phát triển, nâng cao sức đề kháng cho tôm.

Các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người nuôi các biện pháp, quy trình phòng chống dịch bệnh, xử lý triệt để mầm bệnh trong nguồn nước cấp; đồng thời khuyến cáo người nuôi sử dụng con giống sạch bệnh hoặc đã được xét nghiệm âm tính với các bệnh nguy hiểm; kết hợp với áp dụng các biện pháp an toàn sinh học tại cơ sở, các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi tôm để kiểm soát tốt các nguy cơ làm mầm bệnh xâm nhập vào cơ sở.

Ngoài ra, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác thú y, các văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, hướng dẫn chuyên môn của Cục Thú y trong công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản, đặc biệt là việc kiểm soát nguồn gốc con giống và kiểm dịch con giống, sử dụng kháng sinh có trách nhiệm; tuân thủ mùa vụ thả nuôi và quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thủy sản để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top