Điều chỉnh để phát huy hiệu quả chính sách

07:49 - Thứ Bảy, 11/03/2023 Lượt xem: 3562 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của HĐND tỉnh Điện Biên “ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Điện Biên từ năm 2019 - 2023”, thời gian qua các địa phương đã nỗ lực triển khai hỗ trợ, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến các địa phương không triển khai được hết các nội dung hỗ trợ.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra mô hình hỗ trợ phát triển cây dổi xanh tại xã Chung Chải, huyện Mường Nhé.

Nghị quyết số 05/2018 của HĐND tỉnh ban hành có 6 nội dung hỗ trợ chính: Hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển chăn nuôi trâu, bò; thú y; sản xuất phát triển lâm nghiệp; phát triển cây anh đào; phát triển thủy sản và 23 nội dung hỗ trợ nhỏ. Đối tượng hỗ trợ chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân, tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, đơn vị sự nghiệp) tham gia sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; người tham gia phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh... Đến nay đã hình thành một số mô hình liên kết, phát triển sản xuất được đánh giá có tiềm năng, hiệu quả, như: Mô hình liên kết trồng cây ăn quả tại xã Búng Lao (huyện Mường Ảng); mô hình nuôi ong, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ)...

Quá trình triển khai thực tế, nhiều nội dung, điều kiện để được hỗ trợ của chính sách đã bộc lộ bất cập cần được chỉnh sửa, thay đổi để chính sách phát huy hiệu quả. Đơn cử tại huyện Nậm Pồ, từ năm 2019 - 2023, tổng kinh phí thực hiện các nội dung hỗ trợ hơn 3,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua 4 năm thực hiện, đến nay huyện mới chỉ triển khai được 3/6 nội dung, gồm: Phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ thú y và hỗ trợ phát triển lâm nghiệp. Các nội dung hỗ trợ còn lại chưa thực hiện được.

Theo ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, nguyên nhân do quy định cơ chế hỗ trợ sau đầu tư: Sau khi có kết quả nghiệm thu dự án mới thanh toán kinh phí hỗ trợ cho chủ trì liên kết là chưa phù hợp, chưa khuyến khích được các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia. Việc quy định hạn mức hỗ trợ kinh phí làm nhà xưởng, mua máy móc, trang thiết bị sơ chế, vận chuyển, bảo quản, chế biến sản phẩm không quá 500 triệu đồng/dự án chưa khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia. Đối với nội dung hỗ trợ trồng rừng sản xuất và khoanh nuôi tái sinh, chưa có hướng dẫn cơ chế và mức hỗ trợ những nội dung gì, do vậy khó khăn trong việc phê duyệt dự án, tổ chức thực hiện và thanh quyết toán. Việc quy định hạn mức diện tích thực hiện bảo vệ và trồng rừng tập trung cây hoa ban tối thiểu 3ha/dự án (diện tích quá lớn) là rất khó để vận động người dân tham gia.

Tương tự, tại huyện Điện Biên Đông, tổng kinh phí được giao trong giai đoạn 2019 - 2023 là hơn 8,5 tỷ đồng. Đến nay, huyện mới thực hiện được 1/6 nội dung là: Hỗ trợ tiền công, vật tư, bảo hộ, dụng cụ tiêm phòng, công phun hóa chất sát trùng. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không triển khai được, do không tìm được chủ thể liên kết. Trong nội dung hỗ trợ sản xuất phát triển lâm nghiệp, theo Điểm a, Khoản 1, Điều 6 của nghị quyết có quy định: “Đối tượng hỗ trợ là hộ gia đình tham gia chuyển đổi đất nương, đất trồng (thực bì trạng thái Ia, Ib) thuộc quy hoạch rừng sản xuất sang trồng rừng phải có liên kết sản xuất”. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có đơn vị đầu mối thu mua lâm sản. Vì vậy, không thể có liên kết trong sản xuất giữa các khâu trồng, khai thác và tiêu thụ sản phẩm của rừng sản xuất. Tương tự, tại nội dung hỗ trợ phát triển thủy sản (nuôi cá tầm, cá hồi vân trong bể xây; hỗ trợ phát triển nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao... trong lồng tại các hồ thủy lợi, thủy điện) chưa triển khai thực hiện do điều kiện tự nhiên, nguồn nước, thời tiết khí hậu trên địa bàn huyện không phù hợp. Các mô hình nuôi cá có giá trị kinh tế cao đòi hỏi kỹ thuật chăn nuôi phức tạp, chi phí lớn, không phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân địa phương.

Trong giai đoạn 2019 - 2023, tổng kinh phí phân bổ toàn tỉnh là hơn 124,4 tỷ đồng để thực hiện các nội dung hỗ trợ; đã thực hiện hơn 87,5 tỷ đồng. Toàn tỉnh thực hiện được 79 dự án hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Hiện nay trong 23 nội dung hỗ trợ nhỏ vẫn còn 8 nội dung chưa thực hiện được, như:  Hỗ trợ tiêu thụ, xúc tiến thương mại; hỗ trợ cải tạo đàn trâu, bò địa phương bằng phối giống trực tiếp; hỗ trợ thiến trâu, bò đực không đủ tiêu chuẩn làm con giống; hỗ trợ mở điểm thụ tinh nhân tạo mới và đào tạo kỹ thuật viên dẫn tinh; hỗ trợ phát triển nuôi cá tầm, cá hồi vân trong bể xây...

Theo ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số nội dung hỗ trợ được đánh giá là cần thiết, hiệu quả, tuy nhiên đến nay chưa được triển khai hoặc chưa phát huy hiệu quả do định mức hỗ trợ thấp (hỗ trợ dồn điền, đổi thửa; hỗ trợ tưới tiết kiệm) hoặc do không thu hút được chủ trì liên kết mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Trong khi có một số nội dung khác không còn phù hợp với trình độ sản xuất hiện tại và định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; hoặc một số nội dung các địa phương có nhu cầu thực hiện, phù hợp với thực tiễn và kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 nhưng chưa được quy định trong chính sách.

Để phát huy tối đa hiệu quả, chính quyền các huyện cho rằng cần chỉnh sửa, bãi bỏ một số nội dung chính sách cho phù hợp với điều kiện, trình độ sản xuất hiện nay. Đồng thời bổ sung nội dung hỗ trợ mới, như: Hỗ trợ tái canh cà phê; hỗ trợ ghép cải tạo vườn cây ăn quả; hỗ trợ trồng cây thức ăn cho gia súc. Đối với chính sách hỗ trợ thủy sản, cần bổ sung các loại cá thông thường như: Rô phi đơn tính, chép, trắm cỏ... để phù hợp với điều kiện phát triển chăn nuôi của huyện vùng cao. Nâng mức hỗ trợ tối đa 100% kinh phí làm nhà xưởng, mua máy móc, trang thiết bị sơ chế, vận chuyển, bảo quản, chế biến các sản phẩm nhưng không quá 1 tỷ đồng/dự án; đối với các dự án thuộc chương trình nông thôn mới được hỗ trợ bổ sung tối đa 700 triệu đồng/dự án...

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top