Kiểm soát chặt điều kiện cho vay

07:41 - Thứ Hai, 13/03/2023 Lượt xem: 3930 In bài viết

ĐBP - Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay, hạn chế tình trạng nợ xấu gia tăng, những năm qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Điện Biên (Agribank Điện Biên) đã tăng cường kiểm soát các điều kiện cho vay vốn đối với khách hàng, nhất là những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cán bộ Agribank Điện Biên giải quyết nhu cầu vay vốn cho khách hàng.

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, nhất là sau dịch bệnh Covid-19, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân rất lớn để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống. Trước tình hình đó, thời gian qua Agribank Điện Biên luôn đồng hành với người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa cho khách hàng vay vốn; trong đó hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Xác định mục tiêu tăng trưởng tín dụng phải gắn liền với chất lượng tín dụng, Agribank Điện Biên luôn tuân thủ nghiêm túc quy trình tín dụng, nâng cao chất lượng thẩm định, tái thẩm định, bảo đảm nguyên tắc độc lập trong thẩm định và quyết định cấp tín dụng, gắn với trách nhiệm cá nhân đã được phân công. Để khách hàng tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, an toàn, đơn vị luôn đặt công tác khảo sát, điều tra, phân tích nghiên cứu thị trường lên hàng đầu. Từ đó, xây dựng các giải pháp giữ và khai thác tốt nguồn khách hàng hiện có, chủ động tiếp cận và phát triển khách hàng mới.

Đối với khách hàng khó khăn, Agribank Điện Biên luôn đồng hành để xác định rõ nguyên nhân, biện pháp khắc phục và áp dụng các biện pháp luân chuyển vốn phù hợp, quản lý chặt chẽ dòng tiền, quản lý tài sản và công nợ để bảo đảm khả năng thu hồi nợ đã cho vay. Ngân hàng thường xuyên kiểm tra, rà soát việc cho vay với nhóm khách hàng dư nợ cao, khách hàng có tài sản bảo đảm là bất động sản, tài sản bảo lãnh của bên thứ ba, khách hàng được các đoàn thanh tra, kiểm tra kiến nghị chỉnh sửa, bổ sung hoặc bám sát theo dõi.

Ngoài ra, Agribank Điện Biên kiểm soát chặt chẽ phương án sử dụng vốn; trong đó, chú trọng tổng nguồn vốn cần sử dụng, mục đích sử dụng vốn, nguồn trả nợ của khách hàng. Đối với trường hợp khách hàng vay ngắn hạn, thì khách hàng phải được đánh giá có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Đối với khách hàng vay vốn phục vụ kinh doanh phải có phương án kinh doanh hiệu quả, năm trước liền kề có lãi; trường hợp năm trước liền kề lỗ hoặc có lỗ lũy kế thì phải có phương án khắc phục lỗ khả thi và có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn cam kết. Đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống phải có nguồn thu nhập ổn định, hợp pháp để trả nợ.

Thực hiện quy định của Ngân hàng Nhà nước về công tác tổ chức tín dụng, lãi suất, Agribank Điện Biên đã chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng đối với nền kinh tế, hạn chế tối đa rủi ro kỳ hạn; tập trung cấp tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân... Đồng thời, tập trung kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng và chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, nhất là việc vay vốn đầu cơ bất động sản; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao; thận trọng trong xem xét quyết định cấp tín dụng đối với các khoản tín dụng bất động sản tại các địa bàn xảy ra tình trạng sốt đất, các dự án tiềm ẩn mức độ rủi ro cao.

Để giảm nợ xấu, phát huy hiệu quả vốn vay, chỉ khi khách hàng đáp ứng đầy đủ các điều kiện thì mới được xem xét, quyết định cho vay. Nhờ đó, tín dụng tiếp tục tăng trưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của khách hàng cho sản xuất kinh doanh, khu vực nông nghiệp, nông thôn và các lĩnh vực ưu tiên, không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Tính đến ngày 28/2, toàn tỉnh có hơn 18.000 khách hàng được vay vốn (bao gồm cả khách hàng có tài sản thế chấp và không có tài sản), với tổng dư nợ nội bảng trên địa bàn tỉnh 7.083 tỷ đồng (đạt 92,3% kế hoạch quý I/2023). Nhờ kiểm soát chặt chẽ các điều kiện vay vốn, nhất là những khoản vay tiềm ẩn rủi ro cao nên thời gian qua chất lượng tín dụng ngày càng tăng lên, nguồn vốn được khách hàng sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả sau vay vốn; thời hạn trả lãi suất, vốn vay cơ bản đúng thời gian và quy định; tỷ lệ dư nợ xấu còn 65 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu 0,92% so với tổng dư nợ nội bảng.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top