Tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

07:18 - Thứ Năm, 16/03/2023 Lượt xem: 4363 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã tạo thêm kênh tiếp vốn quan trọng, hiệu quả giúp các doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay ưu đãi của ngân hàng với lãi suất hợp lý. Đồng thời nâng cao tính chủ động và trách nhiệm chia sẻ khó khăn với khách hàng của các ngân hàng thương mại; mở rộng đầu tư tín dụng an toàn, hiệu quả.

Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Điện Biên hướng dẫn khách hàng các thủ tục vay vốn.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh Điện Biên và các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chủ động nắm sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tháo gỡ những khó khăn về vốn cho doanh nghiệp trên địa bàn; thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Trong đó, tích cực triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam; tạo điều kiện tiếp vốn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thực hiện đồng thuận về lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay. Tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa thủ tục hành chính để doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn vay.

Thực hiện Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 17/1/2023 của NHNN Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, NHNN chi nhánh tỉnh Điện Biên đã tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Những kiến nghị của doanh nghiệp như: Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn; triển khai nhiều chương trình cho vay với mức lãi suất thấp hơn để chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn; quan tâm, chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm mặt bằng lãi suất cho vay để các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng, khôi phục sản xuất kinh doanh... đã được NHNN chi nhánh tỉnh tiếp thu, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Theo ông Hà Văn Từ, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Điện Biên, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, đơn vị đã yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng. Đồng thời thành lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; gửi thông tin về NHNN chi nhánh tỉnh để theo dõi và tổng hợp đăng tải trên các phương tiện thông tin truyền thông; yêu cầu các ngân hàng thương mại có trách nhiệm xử lý, trả lời rõ ràng việc cấp tín dụng cho từng trường hợp cụ thể.

Triển khai thực hiện Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về thực hiện hỗ trợ lãi suất từ NHNN đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, NHNN chi nhánh tỉnh Điện Biên đã có văn bản đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổng hợp khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị của hội viên trong việc tiếp cận vốn. Ngay sau khi hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (tổ chức tháng 10/2022), NHNN chi nhánh tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra, khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp, hợp tác xã. Một số khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ và đến nay đã phát sinh khách hàng tiếp cận được vốn vay hỗ trợ lãi suất (trước tháng 10/2022 chưa có khách hàng tiếp cận được vốn này).

Tương tự, thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, thông qua kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, nhiều vướng mắc đã được tháo gỡ, nhất là điều kiện, thủ tục vay vốn đơn giản hơn. Nhờ đó đến nay đã có hàng nghìn lượt khách hàng doanh nghiệp được tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng theo quy định, góp phần khôi phục sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, thực hiện các chương trình cho vay doanh nghiệp, đến nay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Điện Biên đang có 96 khách hàng vay vốn với tổng dư nợ hơn 2.053 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP đến nay tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp là 648 tỷ đồng.  

Khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng hiện nay là do doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, còn hạn chế năng lực quản lý, điều hành; năng lực tài chính yếu. Nhiều doanh nghiệp thiếu tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo có giá trị thấp, quyền sở hữu tài sản chưa được xác nhận. Bên cạnh đó, tính minh bạch, chính xác của thông tin liên quan đến tình hình tài chính và kinh doanh của doanh nghiệp chưa rõ ràng hoặc chưa đủ tin cậy. Ngoài ra, trình độ quản trị kinh doanh của một số doanh nghiệp yếu; thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn; dự án sản xuất, kinh doanh thiếu tính khả thi.

Để chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thực sự phát huy hiệu quả, ngoài sự chủ động từ phía các tổ chức tín dụng, bản thân doanh nghiệp cần nỗ lực cải thiện năng lực quản trị kinh doanh, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh rõ ràng và mang tính chiến lược dài hơi, có mục tiêu, giải pháp cụ thể. Thực hiện cơ cấu lại tài sản chính xác, rõ ràng; minh bạch các báo cáo tài chính để dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng. Bên cạnh đó, NHNN chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát, đơn giản hoá thủ tục, quy trình cho vay, rút ngắn thời gian làm thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Thực hiện công khai minh bạch quy trình, thủ tục cho vay; tiếp tục cải tiến, đa dạng hóa, tối ưu các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đảm bảo an toàn, hiệu quả, dễ tiếp cận, phù hợp với đối tượng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Ưu tiên nguồn vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo chủ trương của Chính phủ.

Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top