Giá trâu, bò xuống thấp, người chăn nuôi gặp khó

16:00 - Thứ Năm, 16/03/2023 Lượt xem: 3716 In bài viết

ĐBP - Nghề chăn nuôi trâu, bò vỗ béo đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, khoảng một năm nay, giá trâu, bò liên tục giảm mạnh, có thời điểm đến 50% so với trước đây, trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi lại không giảm, khiến cho người chăn nuôi nuôi trâu, bò gặp nhiều khó khăn, thua lỗ.

Chị Lò Thị Cợi, thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) chăm sóc đàn trâu nuôi vỗ béo.

Gia đình chị Lò Thị Cợi, thôn Huổi Lực, thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) vay vốn ngân hàng trăm triệu đồng, mua 10 con trâu, bò và đầu tư hệ thống chuồng, trại khá hoàn chỉnh. Thế nhưng hơn một năm nay,gia đình chị đang phải nuôi cầm chừng đàn gia súc. Nếu như mọi năm, số trâu này đã được bán vì đã đủ trọng lượng và thời gian nuôi, nhưng hiện nay giá trâu bò thương phẩm xuống thấp, khiến gia đình chưa thể bán mà cố gắng nuôi với hy vọng giá cả thời gian tới có thể tăng lên.

Chị Lò Thị Cợi cho biết: Mọi năm vào thời điểm trong và ngoài tết, có đông thương lái đến hỏi mua, nhưng năm nay rất ít người đến hỏi mua trâu bò. Gia đình đã chủ động trồng cỏ, dự trữ rơm rạ để làm thức ăn cho đàn trâu, tuy nhiên trung bình một tháng gia đình cũng phải bỏ ra cả chục triệu đồng tiền cám để hỗ trợ dinh dưỡng. Giờ bán thì lỗ, còn nếu để lại chưa biết đến khi nào giá cả thị trường mới tăng.

Trường hợp của gia đình chị Đào Thị Phượng, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) cũng không ngoại lệ. Chị Phượng cho biết: Gia đình tôi nuôi trâu, bò vỗ béo được gần 5 năm nay. Mỗi lần vỗ béo từ 20 - 40 con trâu, bò mang lại thu nhập khá ổn định. Tuy nhiên khoảng một năm nay, giá trâu giảm khoảng 25 - 30 triệu đồng/con, đã ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình. Trong chuồng có gần 10 con trâu, bò đã đến kỳ xuất bán, nhưng do giá thấp không đủ bù chi phí nên đành nuôi chờ thị trường khởi sắc trở lại.

Không chỉ mất giá, hiện nay thịt trâu, bò tiêu thụ cũng chậm. Những năm trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên việc tiêu thụ trâu, bò có chững lại. Từ đầu năm 2022 đến nay, dù dịch bệnh đã được khống chế, nhưng đầu ra của sản phẩm phần lớn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nhu cầu trong nước rất chậm. Giết thịt bán cũng khó tiêu thụ vì giá thịt tại chợ vẫn giữ nguyên như cũ dù giá trâu bò hơi đã giảm mạnh. Trong khoảng một năm qua, giá trâu, bò hơi giảm mạnh, từ hơn 130.000 đồng/kg xuống còn 70.000 - 90.000 đồng/kg, tương đương giảm từ 60 - 70 triệu đồng/con xuống còn 30 - 50 triệu đồng/con trâu to. Với mức giá như vậy, những hộ chăn nuôi theo phương thức vỗ béo bị lỗ. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều hộ nuôi “treo” chuồng sau khi xuất bán. Như tại các xã Phìn Hồ, Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ), khoảng gần một năm nay chuồng trại chăn nuôi trâu, bò của nhiều hộ dân để trống.

Một thực tế đối nuôi trâu, bò nông hộ trên địa bàn tỉnh là phần lớn đều là những hộ có ít vốn, phải vay ngân hàng. Đến thời kỳ đáo hạn ngân hàng phải bán để trả nợ nhưng giá trâu, bò giảm nên thu nhập so với vốn ban đầu chỉ bằng thậm chí còn thấp hơn. Với mức giá như hiện nay sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế của người dân.

Qua khảo sát, người chăn nuôi trâu, bò vỗ béo hiện nay đều khó xuất bán trong khi vẫn phải tiếp tục duy trì chi phí thức ăn, thuốc thú y. Không chỉ mất giá, hiện nay thịt trâu, bò tiêu thụ trong nước rất chậm. Khoảng một năm qua, người nuôi trâu, bò vỗ béo gần như không thể xuất đàn vì không có người mua. Tính đến hết tháng 2/2023, đàn trâu trên toàn tỉnh gần 137.000 con; đàn bò trên 98.000 con. Trong khi đó, tổng số đàn trâu xuất chuồng đạt 920 con, đàn bò đạt hơn 1.000 con; sản lượng thịt hơi đối với trâu đạt hơn 256 tấn và bò hơn 208 tấn. Với mức tiêu thụ trong nước rất ít, trong khi đó, thị trường Trung Quốc bấp bênh thì người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được dự đoán sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp ổn định sản xuất, tiết giảm chi phí như: Cắt giảm nguồn thức ăn công nghiệp và tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, thân các loại cây ngô, đậu, lạc)… để ủ lên men nhằm giảm chi phí và tạo nguồn thức ăn ổn định trong thời gian dài; phát triển thêm diện tích trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò. Đồng thời có giải pháp giảm đàn phù hợp, không giảm ồ ạt khiến nguồn cung bị “đứt gãy” đến khi thị trường phục hồi lại không có để bán. Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp tạm thời để chăn nuôi cầm chừng, về lâu dài cần phát triển chăn nuôi bằng các hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã và gắn với liên kết tiêu thụ.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top