Khó thu hút chủ thể kinh tế tham gia dự án liên kết sản xuất

07:26 - Thứ Sáu, 17/03/2023 Lượt xem: 4535 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh ta chú trọng triển khai thực hiện các dự án liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, đa số các liên kết sản xuất đều thiếu bền vững, dễ đứt gãy; các địa phương và chủ đầu tư đang gặp khó trong việc thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ thể kinh tế triển khai các dự án liên kết.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Ma Thì Hồ (xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà) chủ trì liên kết sản xuất khoai tây trái vụ tại bản Hồ Chim. Trong ảnh: Người dân tham gia liên kết chăm sóc vườn khoai tây.

Huyện Điện Biên Đông có 4 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng được công nhận đạt chuẩn OCOP, gồm: Bí xanh Tìa Dình, lạc đỏ Na Son, khoai sọ Phì Nhừ và thịt trâu gác bếp. Huyện đã mời gọi Hợp tác xã C.C.O là chủ thể kinh tế triển khai thực hiện các dự án liên kết sản xuất 4 sản phẩm OCOP trên. Tuy nhiên đến nay liên kết sản xuất đối với 4 sản phẩm đã bị đứt gãy. Chủ thể kinh tế của sản phẩm là Hợp tác xã C.C.O không còn chịu trách nhiệm hướng dẫn về quy trình sản xuất cũng như bao tiêu sản phẩm. Sau hơn 4 năm được công nhận đạt chuẩn, sản phẩm thịt trâu gác bếp dường như biến mất khỏi thị trường sản phẩm OCOP của tỉnh. Các sản phẩm: Bí xanh Tìa Dình, lạc đỏ Na Son và khoai sọ Phì Nhừ quay lại thời kỳ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự sản tự tiêu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đứt gãy liên kết sản xuất: Do người dân không tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng liên kết; người dân tự ý chuyển đổi đất trồng bí sang trồng các loại cây trồng có giá trị cao hơn; Hợp tác xã chủ trì liên kết có năng lực tài chính, năng lực quản lý yếu; thị trường tiêu thụ sản phẩm nhỏ... Sau hơn 1 năm liên kết bị đứt gãy, đến nay huyện Điện Biên Đông vẫn chưa thu hút thêm được doanh nghiệp, hợp tác xã nào làm chủ thể kinh tế, chủ trì liên kết sản xuất các sản phẩm OCOP trên.

Năm 2022, huyện Điện Biên Đông được phân bổ 4 tỷ đồng từ nguồn vốn của tiểu dự án 2 (thuộc dự án 3, Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số) về hỗ trợ sản xuất theo chuỗi liên kết. Do năm 2022 nguồn vốn phân bổ muộn nên nội dung này được chuyển tiếp sang năm 2023. Huyện Điện Biên Đông dự kiến xây dựng 7 chuỗi liên kết sản xuất về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, trong đó có 3 chuỗi liên kết sản phẩm OCOP: Bí xanh Tìa Dình, lạc đỏ Na Son và khoai sọ Phì Nhừ.

Ông Phạm Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên Đông cho biết: Ngay từ đầu năm, huyện đã thông báo, đăng tải thông tin rộng rãi nhằm mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất trên địa bàn. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp, hợp tác xã nào đăng ký tham gia. Nếu không thu hút được doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chủ trì các liên kết sản xuất, nguồn vốn của tiểu dự án này sẽ không thể giải ngân.

Trên địa bàn huyện Điện Biên, giai đoạn 2019 - 2022 đã thu hút được 7 doanh nghiệp và 5 hợp tác xã đầu tư vào sản xuất, chế biến, phân phối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Duy trì, thực hiện hiệu quả 11 dự án liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, gồm: 3 chuỗi sản phẩm lúa gạo; 2 chuỗi sản phẩm cá thương phẩm; 1 chuỗi trâu bò vỗ béo; 2 chuỗi sản xuất rau an toàn; 2 chuỗi sản phẩm dược liệu dưới tán rừng và 1 chuỗi sản xuất mật ong. Năm 2023, bên cạnh các dự án tiếp chi, huyện Điện Biên được phân bổ 3 tỷ đồng để triển khai 2 dự án liên kết: Trồng cây ăn quả và dự án trồng dứa ở xã Pa Thơm. Tuy nhiên, việc thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chủ trì liên kết sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Bà Đặng Thị Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Điện Biên cho biết: Ngay từ đầu tháng 1/2023, UBND huyện đăng tải thông báo tuyển chọn chủ trì liên kết sản xuất trên các trang thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên sau gần 3 tháng vẫn không có doanh nghiệp, hợp tác xã nào tham gia. Mới đây, sau nhiều nỗ lực, trung tâm đã mời gọi được 2 doanh nghiệp tham gia liên kết, hiện nay đang tiến hành các bước khảo sát, lập dự án. Nếu dự án được hội đồng thẩm định phê duyệt thì doanh nghiệp mới đủ điều kiện thực hiện dự án. Trường hợp doanh nghiệp không đủ điều kiện thì huyện Điện Biên phải tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã khác tham gia. Việc tuyển chọn chủ trì liên kết gặp nhiều khó khăn là do hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh mới khởi nghiệp, năng lực tài chính, quản lý yếu, thị trường tiêu thụ sản phẩm hạn chế nên chưa mạnh dạn tham gia các dự án liên kết sản xuất trên địa bàn.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top