Tủa Chùa phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa

07:06 - Chủ Nhật, 19/03/2023 Lượt xem: 3667 In bài viết

ĐBP - Phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương, những năm qua huyện Tủa Chùa chỉ đạo, hướng dẫn người dân phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung, hàng hóa. Nhờ đó đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi gia súc mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo, tạo ra hướng phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững.

Bà Lò Thị Van, thôn Tiên Phong, xã Mường Báng là một trong những điển hình phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa.

Với lợi thế có nhiều điểm chăn thả thuận lợi cho chăn nuôi, nhất là đại gia súc, cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Tủa Chùa luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Để thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông, huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc; xây dựng chuồng nuôi kiên cố. Đặc biệt, huyện lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cho người nghèo trên địa bàn huyện có điều kiện phát triển kinh tế bằng chăn nuôi.

Hiện nay gia đình bà Lò Thị Van, thôn Tiên Phong, xã Mường Báng có thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ chăn nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa. Trước đây, gia đình bà Van nuôi trâu, bò chủ yếu để lấy sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sau khi được chính quyền địa phương vận động, hướng dẫn, gia đình bà mạnh dạn đầu tư chăn nuôi theo hướng nuôi nhốt bán công nghiệp. Gia đình bà được vay vốn ưu đãi để đầu tư mua thêm con giống, xây chuồng trại. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho gia súc, gia đình bà luôn duy trì đàn trâu, bò hơn 10 con.

Bên cạnh việc vận động người dân thay đổi, phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung, hàng hóa, huyện Tủa Chùa chú trọng phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng liên kết. Những năm qua, từ nguồn vốn Chương trình 30a, giảm nghèo, huyện Tủa Chùa đã thực hiện nhiều mô hình điểm về phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết. Năm 2020, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tủa Chùa triển khai mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại xã Trung Thu và Tả Phìn với 38 hộ dân tham gia. Người dân được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, cách chăm sóc, nuôi dưỡng, làm chuồng trại, pha trộn thức ăn và phòng trừ một số bệnh thường gặp ở dê. Cán bộ kỹ thuật thường xuyên phối hợp với UBND xã, thôn, bản theo dõi, hướng dẫn các hộ dân trong quá trình nuôi dê. Sau 1 năm tham gia mô hình, hộ chăn nuôi thu lãi bình quân 4 triệu đồng/1 con dê giống. Đến nay, mô hình nuôi dê sinh sản được nhân rộng không chỉ tại 2 xã trên mà còn nhiều xã khác trên địa bàn huyện mang lại hiệu quả cao.

Nhờ nuôi nhốt gia súc, người dân có thể chủ động trong việc tiêm phòng; hạn chế đến mức thấp nhất vật nuôi chết do dịch bệnh, giá rét. Đến nay, đàn gia súc trên địa bàn huyện Tủa Chùa phát triển ổn định; tổng đàn gia súc đạt gần 85.000 con. Trong đó, đàn trâu gần 5.800 con, đàn bò hơn 4.600 con, đàn lợn trên 47.000 con, đàn dê 16.300 con và đàn ngựa gần 450 con. Hàng năm, tốc độ tăng trưởng của đàn gia súc trên địa bàn huyện đạt từ 3 - 5%.

Mặc dù chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện Tủa Chùa đã có bước phát triển, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa mới thực hiện ở một số xã. Bên cạnh đó, người dân còn thiếu vốn đầu tư; vẫn còn một bộ phận dân cư trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chưa có sự nỗ lực vươn lên. Đa số chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện quy mô nhỏ, phân tán, chưa có trang trại chăn nuôi lớn... Đây là những hạn chế huyện Tủa Chùa cần khắc phục để phát triển đàn gia súc trên địa bàn ổn định và bền vững.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top