Để người tiêu dùng thế giới biết đến nhiều hơn cà phê Việt Nam

14:11 - Thứ Năm, 23/03/2023 Lượt xem: 4437 In bài viết

Mặc dù là nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới, thế nhưng, cà phê của nước ta chủ yếu được xuất khẩu ở dạng thô, người tiêu dùng thế giới còn chưa biết đến nhiều. Do vậy, đã đến lúc, chúng ta cần chú trọng xây dựng và phát triển mạnh mẽ hơn phân khúc cà phê đặc sản của Việt Nam để các nước biết đến nhiều hơn và nâng cao giá trị cho chuỗi ngành hàng này.

Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới (Ảnh: B.T)

Theo số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích cà phê của Việt Nam tính đến hết năm 2022 đạt 710,66 nghìn ha, trong đó diện tích cà phê kinh doanh đạt 653,1 nghìn ha. Cà phê Việt Nam được trồng trên 19 tỉnh khắp cả nước nhưng chủ yếu tập trung tại 5 tỉnh Tây Nguyên, chiếm 91,2% tổng diện tích cả nước.

So với các nước sản xuất cà phê trên thế giới, diện tích cà phê của Việt Nam chỉ đứng thứ 6 sau các nước: Brazil tổng diện tích gần 1,9 triệu ha, Indonesia tổng diện tích trên 1,2 triệu ha, Colombia và Ethiopia hơn 800 nghìn ha, Bờ Biển Ngà gần 800 nghìn ha.

Tuy là nước có diện tích cà phê đứng thứ 6 thế giới nhưng năng suất cà phê của nước ta đạt cao nhất thế giới. Năng suất trung bình cà phê của Việt Nam cao gấp 1,4 lần của Brazil, gấp 2,8 lần của Colombia và gấp 4,5 lần của Indonesia.

Về sản lượng, niên vụ cà phê 2021-2022, sản lượng cà phê Việt Nam đạt trên 1,8 triệu tấn. Sản lượng cà phê của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, sau Brazil và là nước có sản lượng cà phê Robusta lớn nhất thế giới.

Năm 2022 khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 1,77 triệu tấn mang lại kim ngạch trên 4,05 tỷ đô la. Đây là mức kim ngạch xuất khẩu cà phê cao nhất trong những năm qua.

Mặc dù đạt được sản lượng và năng suất cao như vậy nhưng hiện nay, trong thương mại, cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô. Cà phê Việt Nam được trộn lẫn với cà phê từ các nước khác để chế biến nhiều sản phẩm cà phê khác nhau nên người tiêu dùng không biết đến cà phê Việt Nam. Giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam thấp hơn trung bình thế giới, nên dù đứng hàng đầu về sản lượng xuất khẩu cà phê, Việt Nam chỉ đứng thứ 10 về giá trị.

Chính vì vậy, một trong những vấn đề mà ngành hàng cà phê quan tâm hiện nay, đó là xây dựng và phát triển cà phê đặc sản mang đặc trưng riêng của Việt Nam để nâng cao giá trị cho chuỗi ngành hàng và để mỗi khi nhắc đến cà phê của Việt Nam, người tiêu dùng thế giới sẽ nhớ tới những loại cà phê này.

 Cà phê đặc sản của Việt Nam được đánh giá và chấm điểm (Ảnh: laodong.vn)

Thực tế, trong những năm trở lại đây, chúng ta đã quan tâm tới cà phê đặc sản, tuy nhiên số lượng vẫn còn quá khiêm tốn. Hiện nay, tỷ lệ cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản chiếm tỷ lệ quá nhỏ trong sản lượng lớn của cà phê Việt Nam.

Về vấn đề này, theo ông Lê Văn Đức – Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, năm 2021, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 1392/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Đề án được triển khai tại 8 tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Quảng Trị.

Đề án hướng đến mục tiêu phát triển “Cà phê đặc sản” Việt Nam phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng nhu cầu “Cà phê đặc sản” ngày càng tăng ở các thị trường xuất khẩu và nội địa. Đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh sản phẩm cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, góp phần phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam.  

Trong giai đoạn 2021-2025, định hướng diện tích cà phê đặc sản đạt 11.500ha, chiếm khoảng 2% tổng diện tích cà phê; sản lượng cà phê đặc sản khoảng 5.000 tấn. Giai đoạn 2026-2030, định hướng diện tích đạt 19.000 ha, chiếm khoảng 3% diện tích cà phê Việt Nam; sản lượng cà phê đặc sản khoảng 11.000 tấn.

Thực tế, triển khai Đề án cà phê đặc sản này tại Đắk Lắk, TS. Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, địa phương đã đạt được những kết quả bước đầu. Trong đó, được sự chỉ đạo và bảo trợ của UBND tỉnh Đắk Lắk, từ 2019 đến 2022, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột đã chủ trì tổ chức thành công 4 cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam – Vietnam Amazing Cup” theo định dạng của thế giới và có quy mô quốc gia.

Theo đó, với hàng chục đơn vị dự thi, năm 2019, sản lượng cà phê đạt đặc sản đạt 28,3 tấn, năm 2020 đạt 60 tấn, năm 2021 đạt 110,7 tấn, năm 2022 đạt 136,5 tấn. Thực tế, các kết quả trên chưa phản ánh đầy đủ thực tế sản xuất cà phê nhân chất lượng cao và đặc sản vì còn có nhiều đơn vị không tham gia thi.

Thực tiễn cho thấy, việc phát triển cà phê đặc sản mang lại nhiều lợi ích cho chuỗi ngành hàng cà phê. Trong đó, việc tham gia sản xuất cà phê đặc sản góp phần giúp cho người sản xuất cà phê thực sự thay đổi thực hành từ thu hoạch, ứng dụng các công nghệ, thiết bị, phương pháp mới trong chế biến để nâng cao chất lượng cà phê; khắc phục dần những hạn chế trong chế biến sau thu hoạch - vốn là một điểm yếu kéo dài của ngành cà phê.

Bên cạnh đó, ghi nhận tại thị trường trong nước, kết quả các giao dịch thương mại cà phê đặc sản những năm qua cho thấy với các đơn vị có danh tiếng qua các cuộc thi, tích cực tham gia các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại, việc tiêu thụ rất thuận lợi với mức giá hấp dẫn, có thể gấp 2 - 4 lần giá cà phê thương mại thông thường tùy theo số điểm chất lượng.

Tại thị trường nước ngoài, cà phê đặc sản Việt Nam được giới thiệu tại các hội chợ cà phê đặc sản danh tiếng tại Mỹ, Ý, Hàn Quốc, Nhật thu hút được sự quan tâm của các nhà rang và bước đầu có những giao dịch thương mại thực tế. Đã có lô hàng cà phê nhân đặc sản Robusta khối lượng lớn 20 tấn từ Đắk Lắk được xuất khẩu sang Anh quốc với giá gần gấp 3 lần giá cà phê thương mại, được coi là một dấu ấn đáng ghi nhận của những nỗ lực tuyệt vời từ tập thể người sản xuất đến nhà xuất khẩu, một mô hình chuỗi sản xuất kinh doanh cà phê đặc sản cần được nghiên cứu, nhân rộng. 

Để tiếp tục xây dựng và phát triển phân khúc chuỗi cà phê đặc sản, để ngày càng xứng tầm là một đất nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới, Đề án của Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ rõ những giải pháp cần tiếp tục triển khai. Đó là việc cần xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về cà phê đặc sản Việt Nam. Các địa phương, doanh nghiệp, hộ sản xuất căn cứ vào lợi thế về điều kiện sinh thái và thị trường, xác định vùng tiềm năng trồng cà phê đặc sản, ưu tiên giữ gìn và phát triển thành vùng nguyên liệu truyền thống sản xuất cà phê đặc sản.

Khuyến khích các trang trại, hộ sản xuất hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm liên kết với doanh nghiệp trong thu mua nguyên liệu đầu vào, trao đổi kỹ thuật sản xuất, tiếp cận, chuyển giao khoa học công nghệ và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cà phê đặc sản. Mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu, giám sát vùng trồng cà phê đặc sản dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin.

Đặc biệt, đó là đẩy mạnh gắn kết 4 nhà: nhà nông – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà nước trong nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê đặc sản. Nghiên cứu chọn tạo giống, xây dựng quy trình canh tác, sơ chế, bảo quản và chế biến cà phê đặc sản.

Đẩy mạnh cơ khí hóa, tự động hóa trong chế biến, chế biến sâu sản phẩm, tăng thị phần cà phê rang xay. Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu cà phê đặc sản phục vụ thị trường trong nước và trên thế giới. Trong khi đó, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê đặc sản thông qua chương trình xúc tiến thương mại.

Bên cạnh đó, theo ý kiến của các doanh nghiệp, giải pháp đầu tiên cần quan tâm đó là quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung. Đồng thời, thay đổi nhận thức của người nông dân canh tác theo hướng tập trung; giảm thiểu sử dụng nước, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, giảm thiểu tối đa sử dụng phân bón vô cơ,…Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng chế biến sau thu hoạch bằng cách thay đổi nhận thức thu hái của người nông dân, cải tiến phương pháp phơi sấy bằng cách xây dựng các trung tâm sấy tập trung ngay tại vùng nguyên liệu.

Thêm một giải pháp lớn được các doanh nghiệp đề xuất đến, đó là cần tổ chức các cuộc thị cà phê đặc sản Việt Nam tầm quốc tế. Tham gia tất cả các triển lãm hội chợ chuyên ngành về thực phẩm và cà phê để giới thiệu mạnh cà phê đặc sản đến người tiêu dùng toàn thế giới.

Về lâu dài, đó là xây dựng trung tâm đào tạo chuyên ngành cà phê. Trung tâm đào tạo đầy đủ các khâu trong chuỗi giá trị cà phê từ khâu chọn giống, đào tạo canh tác, sơ chế, chế biến, rang xay, pha chế, logistic và các nghiệp vụ xuất khẩu. Qua đó, nhằm cung cấp một lực lượng lao động có tay nghề để đáp ứng cho nhu cầu của ngành cà phê trong giai đoạn mới.

Về vấn đề này, Cục Trồng trọt cũng cho rằng, cần có hỗ trợ kinh phí để sản xuất, phát triển thương hiệu cà phê đặc sản đạt tiêu chuẩn, chất lượng theo yêu cầu của các thị trường trọng điểm.

Tại Lễ khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu cần đẩy mạnh phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản Việt Nam với hương vị đặc biệt, đặc thù được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao; gia tăng giá trị chuỗi ngành hàng cà phê, nhất là tăng lợi nhuận trực tiếp cho người nông dân.

Chính vì vậy, việc tiếp tục xây dựng và phát triển phân khúc cà phê đặc sản Việt Nam, mang thương hiệu của Việt Nam  là công tác cần tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh triển khai thực hiện. Đó là các công tác liên quan trực tiếp từ khâu giống, nghiên cứu, tuyển chọn được những giống cho chất lượng cà phê ngon. Đồng thời, quan tâm đến các vấn đề từ khâu canh tác, chăm bón, tưới và thu hái,…để đảm bảo chất lượng của cà phê.

Đặc biệt, cần trang bị kiến thức, kỹ năng về chế biến sau thu hoạch, gồm chế biến ra cà phê nhân và rang xay. Đây là những hiểu biết, thực hành rất quan trọng tạo ra cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản thường bị xem nhẹ trong sản xuất, chế biến cà phê thương mại thông thường.

Để xây dựng và phát triển mạnh cà phê đặc sản của Việt Nam không phải là chuyện “một sớm, một chiều”, tuy nhiên, đây cũng là công tác cần thiết cần được quan tâm khi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng nhắm đến chất lượng ngon hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có nguồn gốc xuất xứ. Do đó, nếu xác định được các bước đi cần thiết và bắt tay vào triển khai với các giải pháp đồng bộ, quyết tâm cao cùng với sự quan tâm của Nhà nước cũng như của chính các doanh nghiệp, người nông dân,…chúng ta có quyền chờ đón phân khúc sản phẩm cà phê đặc sản sẽ được phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, để người tiêu dùng thế giới biến đến nhiều hơn cà phê Việt Nam và mang lại giá trị cao hơn nữa cho chuỗi ngành hàng cà phê.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top