Khó về vốn xây dựng cao tốc

08:33 - Thứ Tư, 29/03/2023 Lượt xem: 3935 In bài viết

ĐBP - Dự án xây dựng đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang nằm trong quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021. Việc đầu tư xây dựng dự án tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, kết nối liên vùng, đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh Tây Bắc, các khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, khu công nghiệp. Tuy nhiên, Điện Biên là tỉnh nghèo nên việc bố trí kinh phí để triển khai thực hiện dự án gặp khó khăn.

Đoạn tuyến Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang thuộc tuyến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên có chiều dài 200km, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường 22m, dự kiến đầu tư giai đoạn sau năm 2030. Tuy nhiên, trước nhu cầu cấp thiết tạo động lực phát triển kinh tế Điện Biên nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung, năm 2022 UBND tỉnh Điện Biên đã có tờ trình đề xuất Chính phủ đầu tư sớm hơn dự kiến.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đồng ý giao UBND tỉnh là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án giai đoạn 1 (TP. Điện Biên Phủ - nút giao Km15 + 800, quốc lộ 279 thuộc xã Búng Lao, huyện Mường Ảng) với tổng chiều dài tuyến khoảng 44km. Dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ) trong giai đoạn 2022 - 2030. Để việc đầu tư đạt hiệu quả, đảm bảo đáp ứng phù hợp với nhu cầu thực tế và nguồn lực đầu tư, UBND tỉnh Điện Biên kiến nghị phân kỳ đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030 với chiều rộng nền đường 14,5m, chiều rộng mặt đường 11m, gồm 2 làn xe cơ giới.

Theo đó, dự án dự kiến thực hiện từ năm 2024 - 2026, hoàn thành năm 2027, với sơ bộ tổng vốn đầu tư khoảng 9.246 tỷ đồng. Bao gồm chi phí xây dựng hơn 6.600 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 433 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, chi phí khác khoảng 532 tỷ đồng... Trong đó, phần vốn nhà đầu tư tham gia thực hiện khoảng 4.627 tỷ đồng (chiếm 50,04% tổng vốn dự án) và phần vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án khoảng 4.620 tỷ đồng (chiếm 49,96% tổng vốn đầu tư dự án).

Trước tình hình khó khăn về vốn, ngày 10/2/2023, UBND tỉnh Điện Biên đã có Tờ trình số 387/TTr-UBND trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị hỗ trợ toàn bộ phần vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án là 4.620 tỷ đồng bằng ngân sách Trung ương. Theo Sở Giao thông vận tải Điện Biên, việc tỉnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ toàn bộ phần vốn nhà nước là phù hợp với điều kiện thực tế vì Điện Biên vẫn là tỉnh nghèo. Trong khi, dự án được đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BTL, trong đó quy định phần vốn nhà nước (từ ngân sách Trung ương hoặc ngân sách địa phương) tham gia không quá 50%. Khi địa phương khó khăn về nguồn vốn thì đề nghị Trung ương hỗ trợ để thực hiện dự án.

Trên cơ sở đề xuất kiến nghị của tỉnh, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về việc nghiên cứu, sớm đầu tư tuyến cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang là cần thiết. Đồng thời nhấn mạnh Điện Biên là tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn; kết nối giao thông đến tỉnh hiện nay chủ yếu thông qua phương thức vận tải hàng không và đường bộ, trong đó đường bộ chủ yếu qua các tuyến quốc lộ 6 và quốc lộ 279 khả năng lưu thông còn hạn chế, cần tiếp tục ưu tiên đầu tư các tuyến giao thông tốc độ cao, hiện đại để kết nối tốt hơn. Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị UBND tỉnh Điện Biên rà soát, đánh giá nhu cầu, khả năng cân đối nguồn lực để đầu tư dự án bảo đảm hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vận tải khu vực. Trường hợp nguồn vốn ngân sách địa phương khó khăn, Bộ Giao thông vận tải ủng hộ và đề nghị UBND tỉnh làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương tham gia dự án.

Tỉnh Điện Biên có địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh. Bên cạnh khó khăn về điều kiện tự nhiên, Điện Biên hiện còn khoảng 10% số hộ dân chưa được sử dụng điện; tỷ lệ hộ nghèo khoảng 35%, trong khi bình quân cả nước chỉ là 2,25%. Việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là điều kiện tiên quyết để thu hút các doanh nghiệp vào Điện Biên, từ đó tạo thêm nhiều việc làm, góp phần thoát nghèo bền vững. Việc sớm được đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang sẽ mở ra cơ hội lớn cho tỉnh, đặc biệt là tháo gỡ nút thắt về giao thông để Điện Biên nâng cao năng lực kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực, vùng Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Lào, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Để thực hiện được các mục tiêu trên thì việc tháo gỡ những khó khăn về vốn thực hiện dự án là vấn đề hàng đầu, cần sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương.

Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top