Huyện Điện Biên chú trọng phát triển cây dược liệu

09:15 - Thứ Tư, 29/03/2023 Lượt xem: 2953 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, cùng với việc quan tâm phát triển cây trồng chủ lực (lúa, ngô...), huyện Điện Biên đã và đang chú trọng đưa vào trồng một số loại cây dược liệu quý cung cấp nguyên liệu cho thị trường. Từ đó, góp phần tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Công ty TNHH Giống Lâm nghiệp Tây Bắc phối hợp với huyện Điện Biên kiểm tra diện tích trồng sa nhân dưới tán rừng tại xã Mường Pồn.

Huyện Điện Biên có 21 đơn vị hành chính cấp xã, diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, do vậy việc phát triển gây trồng cây dược liệu dưới tán rừng là một lợi thế; nhất là mở rộng diện tích trồng cây sa nhân dưới tán rừng theo hình thức liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm để nâng cao thu nhập và đời sống của người dân vùng rừng.

Để biến tiềm năng thành lợi thế phát triển cây dược liệu bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế, huyện Điện Biên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, khảo sát để quy hoạch vùng phát triển dược liệu của huyện theo từng vùng, từng xã phù hợp với đặc điểm khí hậu và lợi thế của mỗi loại cây. Đồng thời, huyện cũng khuyến khích người dân xây dựng các vườn ươm, nhân giống, đáp ứng một phần nhu cầu cây giống tại chỗ. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để xây dựng, phát triển hệ thống thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn người dân các vùng trồng cây dược liệu, ứng dụng quy trình kỹ thuật mới trong sản xuất, thu hái, bảo quản để nâng cao chất lượng, mẫu mã khi tiêu thụ. Hiện trên địa bàn huyện Điện Biên đã và đang triển khai trồng cây dược liệu (sa nhân tím, quế) tập trung tại 4 xã: Mường Pồn, Pa Thơm, Phu Luông, Mường Lói... với tổng diện tích 109,49ha (sa nhân 54,49ha; quế 55ha). Trong đó, kinh phí thực hiện trồng cây sa nhân từ năm 2017 - 2022 là 5,55 tỷ đồng.

Xã Mường Pồn được biết đến là nơi có khí hậu nhiệt đới mát mẻ quanh năm, độ ẩm cao, rất thuận lợi để phát triển nhiều loại cây dược liệu. Tận dụng tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, hiện xã đang triển khai Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quả sa nhân tím với quy mô 11ha, 43 hộ tham gia; với sự tham gia liên kết của Công ty TNHH Giống Lâm nghiệp Tây Bắc. Ông Chào Anh Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Mường Pồn cho biết: “Xác định những lợi thế, xã đẩy mạnh việc tuyên truyền, chú trọng phát triển cây dược liệu theo chủ trương của tỉnh và huyện, bước đầu có những tín hiệu đáng mừng. Đó là đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác. Cây sa nhân dễ trồng, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, tốn ít công chăm sóc, giá trị kinh tế cao”.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND huyện Điện Biên hiện nay ngoài những khó khăn từ yếu tố khách quan ảnh hưởng đến việc phát triển, mở rộng cây dược liệu như: Địa hình chia cắt phức tạp, giao thông khó khăn, thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài nhiều tháng... Phần lớn các mô hình sản xuất cây dược liệu trên địa bàn đều có quy mô nhỏ, phân tán, chưa có sự liên kết chuỗi giá trị và chưa có nhiều sản phẩm bán ra thị trường. Từ năm 2019 đến nay huyện triển khai Dự án liên kết sản xuất trồng và tiêu thụ sản phẩm sa nhân tím theo Quyết định số 45/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh Điện Biên, mức hỗ trợ đã được người dân đồng thuận và triển khai thực hiện là hỗ trợ 100% cây giống, phân bón; mật độ trồng 10.000 cây/ha + 2.000kg phân NPK/ha. Vì vậy, khi triển khai tuyên truyền, vận động người dân đăng ký tham gia trồng cây sa nhân theo dự án bảo vệ và phát triển rừng bền vững đã được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt tại Quyết định số 945/QĐ-UBND với mức hỗ trợ là 10 triệu đồng/ha thì người dân không đồng thuận và không đăng ký tham gia; 100% người dân cho rằng mức hỗ trợ là quá thấp, mật độ trồng quá thưa so với nhu cầu thực tế (1.500 - 2.000 cây/ha), việc tiêu thụ sẽ rất khó khăn do không có liên kết sản xuất.

Với định hướng đến năm 2030, huyện Điện Biên tiếp tục mở rộng 65ha cây sa nhân, trồng dưới tán rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Để thực hiện mục tiêu trên, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật để người dân áp dụng vào sản xuất. Tiến hành nghiên cứu, tuyển chọn và trồng thử nghiệm, đánh giá làm cơ sở lựa chọn, nhân rộng các giống cây dược liệu quý có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu thị trường. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách lồng ghép nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, của doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc đào tạo, tập huấn cho người dân về sản xuất, thu hái, bảo quản và chế biến dược liệu an toàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top