Mường Chà hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng

08:31 - Thứ Sáu, 31/03/2023 Lượt xem: 3209 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, những năm qua huyện Mường Chà tích cực lồng ghép, sử dụng các nguồn vốn chính sách để hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhờ đó, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết đã được thực hiện, góp phần giúp người dân dần thay đổi tư duy sản xuất.

Gia đình anh Ly A Hồ, bản Hồ Chim 2 (xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà) làm giàn trồng bí đao.

Nhiều năm nay, cánh đồng bản Hồ Chim 2, xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà) chỉ canh tác được một vụ lúa mùa; vụ đông xuân phần lớn diện tích bỏ hoang. Để nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất, một số hộ dân đã thử nghiệm nhiều mô hình như: trồng lạc, ngô... nhưng đều thất bại. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, họp bản, người dân bản Hồ Chim 2 đã nhiều lần kiến nghị chính quyền cấp xã, huyện nghiên cứu phương án hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trên cơ sở kiến nghị người dân, UBND huyện Mường Chà chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất và triển khai hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Vụ đông xuân năm 2023, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà đã triển khai mô hình sản xuất khoai tây trái vụ với tổng diện tích 4ha tại bản Hồ Chim 2. Tham gia mô hình, 17 hộ dân được hỗ trợ cây giống, phân vi sinh và được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Sau khi thu hoạch, 100% sản phẩm sẽ được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện kết nối doanh nghiệp thu mua.

Góp 3.000m2 đất ruộng tham gia mô hình, sau 3 tháng triển khai, ruộng khoai tây của gia đình ông Vì A Di, bản Hồ Chim 2 đang phát triển tốt, cây ít bị sâu bệnh và đang vào giai đoạn tạo củ.

Ông Vì A Di cho biết: Sản xuất khoai tây trái vụ chi phí đầu tư khá cao. Tổng chi phí nhà nước hỗ trợ và người dân đối ứng khoảng 60 triệu đồng/ha. Theo thuyết minh dự án, năng suất khoai đạt khoảng 2 tấn/1000m2; với diện tích 3.000m2 tôi ước đạt 6 tấn củ. Với giá doanh nghiệp thu mua 6.000 đồng/kg, dự kiến có thu nhập 36 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 18 triệu đồng, thu lợi nhuận 18 triệu đồng.

Không chỉ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa một vụ, người dân xã Ma Thì Hồ còn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương. Mô hình trồng bí đao của gia đình anh Ly A Hồ là một ví dụ. Trên diện tích 6.000m2 đất nương ở gần nhà, nhiều năm nay anh Hồ canh tác cây ngô. Tuy nhiên, đất đai ngày càng cằn cỗi khiến năng suất, chất lượng ngô cũng giảm theo. Đang loay hoay tìm cây trồng khác thì anh Hồ được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện giới thiệu đi tham quan mô hình trồng bí đao tại thị trấn Mường Chà. Sau chuyến đi đó, với sự hỗ trợ tích cực của cán bộ nông nghiệp huyện, anh Hồ đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai mô hình trồng bí đao trên diện tích đất trồng ngô.

Anh Ly A Hồ cho biết: Đến nay, tôi đã đầu tư vào mô hình khoảng 100 triệu đồng để mua giống, làm giàn, lắp đặt hệ thống tưới nước thông minh. Giống bí đao này nếu chăm tốt có thể cho thu hoạch tới 10 lứa mới phải thay giống mới; còn chăm sóc vừa đủ thì tối thiểu cũng thu được 6 lứa. Tôi dự tính với diện tích 6.000m2 sẽ cho năng suất ước đạt 30 tấn, giá bán khoảng 8.000 đồng/kg cho doanh thu khoảng 240 triệu đồng. Lợi nhuận ước đạt 100 triệu đồng.

Ông Trần Đức Cương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà cho biết: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một chủ trương lớn, là nội dung quan trọng trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Triển khai thực hiện, giai đoạn 2019 - 2023, huyện Mường Chà đã và đang hỗ trợ người dân triển khai nhiều mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Bên cạnh mô hình khoai tây trái vụ, bí đao, phòng đang hỗ trợ mô hình trồng cây quế tại xã Huổi Lèng; mô hình hoa hồng Pháp tại thị trấn Mường Chà; trồng cây dược liệu tại xã Sa Lông... Thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ người dân chuyển đổi phương thức sản xuất, thâm canh tăng vụ để tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top