ĐBP - Chiều nay (31/3), UBND tỉnh tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư lần thứ nhất năm 2023. Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và đại diện hơn 60 doanh nghiệp, nhà đầu tư (DN, NĐT) đang thực hiện và nghiên cứu, khảo sát các dự án trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô nhấn mạnh: Hội nghị lần này được tổ chức với mục tiêu đánh giá tổng thể tình hình, kết quả triển khai thực hiện các chương trình, dự án có sử dụng vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước; làm rõ hơn các khó khăn, tồn tại, vướng mắc và nguyên nhân; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước tại địa phương trong việc đồng hành cùng DN, NĐT trong quá trình triển khai; xem xét, đánh giá mức độ, khả năng tập trung nguồn lực, tâm huyết, trách nhiệm của các DN, NĐT đối với việc thực hiện những nội dung đã cam kết với tỉnh.
Đại diện các DN, NĐT đã thẳng thắn trao đổi, đóng góp ý kiến và đề xuất những giải pháp để giải quyết khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Các dự án về năng lượng; dự án phát triển đô thị và các dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Công ty CP Thương mại và Xây dựng NQT Quảng Ninh kiến nghị: Đối với Dự án Chợ và Thương mại dịch vụ Mường Thanh, các đơn vị liên quan sớm tổ chức triển khai và đồng hành, phối hợp cùng NĐT tháo gỡ theo phạm vi trách nhiệm. Khi có mặt bằng sạch, Sở Tài nguyên & Môi trường nghiên cứu, tham mưu để giao đất từng phần và cấp phép xây dựng từng phần cho NĐT để thực hiện nộp tiền thuê đất, đủ điều kiện xây dựng các hạng mục dự án, đảm bảo tiến độ cũng như các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý dự án và đầu tư xây dựng cơ bản.
Đối với các đồ án Quy hoạch đô thị chi tiết 1/500, NĐT đề nghị UBND tỉnh hoặc UBND cấp huyện theo phân cấp có quy chế thực hiện công tác lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng trên địa bàn và Quy chế, quy định trình tự thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đô thị. Ngoài ra, hiện nay việc thực hiện đấu giá đất các dự án đầu tư chưa đạt mục tiêu của tỉnh đề ra, số lượng đấu giá các dự án rất ít. Vì vậy, UBND tỉnh xem xét chỉ đạo chuyển sang áp dụng hình thức đấu thầu, lựa chọn NĐT theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ, bảo đảm điều kiện pháp lý và huy động nguồn vốn của NĐT để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triển đô thị.
Đối với các dự án trồng rừng, điện sinh khối, NĐT đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho dự án; giải phóng mặt bằng tạo vùng lõi dự án, tạo điều kiện để NĐT thuê đất theo quy định; hỗ trợ đo đạc, quy chủ, cấp GCNQSDĐ cho người dân để làm căn cứ pháp lý ký kết hợp đồng liên kết trồng rừng. Cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia dự án. Đồng thời, UBND tỉnh đồng hành với NĐT báo cáo Bộ Công Thương sớm phê duyệt bổ sung các dự án điện sinh khối vào quy hoạch, kế hoạch thực hiện trong thời gian tới.
Công ty du lịch và Nông nghiệp công nghệ cao Điện Biên đang triển khai dự án trồng mắc ca tại huyện Nậm Pồ, đề nghị huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh, UBND huyện Nậm Pồ sớm giải quyết những vướng mắc về đất đai để NĐT triển khai thực hiện dự án.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để DN, NĐT triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư dự án trên địa bàn; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, thúc đẩy DN phát triển lớn mạnh cả về số lượng và quy mô. Đối với các DN, NĐT tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, huy động các nguồn lực thực hiện nghiêm, đúng, đủ các nội dung đã cam kết với tỉnh, các cơ quan chức năng và người dân. Đồng thời, kiến nghị với cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai các dự án đầu tư. Thành lập và duy trì hoạt động của các văn phòng đại diện tại Điện Biên để kịp thời phối hợp xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án.
Ghi nhận ý kiến của các DN, NĐT, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan tập trung nguồn lực, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với từng dự án trên từng lĩnh vực đã được phân công. Đối với công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và các dự án phát triển đô thị, nhà ở, thương mại dịch vụ, phát triển các sản phẩm du lịch, logistics, cần tập trung triển khai các nhiệm vụ đã được phân công theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 718/TB-UBND ngày 6/3/2023. Đối với các dự án trồng rừng, trồng mắc ca, trồng cây dược liệu cần tăng cường phối hợp, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, chủ động phối hợp chặt chẽ với NĐT thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình, tiến độ triển khai thực hiện các dự án để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất các nội dung vượt thẩm quyền trong quá trình thực hiện; không để NĐT phản ánh dự án chậm tiến độ do vướng mắc liên quan đến các nguyên nhân chủ quan của các sở, ngành tỉnh. Riêng đối với UBND huyện Tuần Giáo, cần chủ động phối hợp, đồng hành, hướng dẫn, hỗ trợ, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan theo quy định của pháp luật về đầu tư cho các NĐT khảo sát, nghiên cứu, lập đề xuất chủ trương đầu tư/dự án đầu tư trồng cây dược liệu. Lưu ý đánh giá đầy đủ về ưu, nhược điểm, hiện trạng sử dụng đất và các vấn đề đảm bảo tính khả thi; quy trình, trình tự, thủ tục khi triển khai dự án theo quy định của pháp luật.
Đối với các dự án phát triển năng lượng, Sở Công thương phối hợp chặt chẽ với NĐT thường xuyên liên hệ với các cơ quan chuyên môn của Bộ Công thương để rà soát, tổng hợp đầy đủ các nội dung theo kiến nghị của tỉnh, kịp thời báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh các nội dung thuộc thẩm quyền về công tác quy hoạch. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Công thương và các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn NĐT khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh giải trình hoàn thiện nội dung báo cáo đề xuất, đảm bảo điều kiện để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với dự án đường dây 110kV Thủy điện Lai Châu – Trạm biến áp 110 kV Nậm Pồ. Đề nghị NĐT, cộng đồng DN tập trung nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính để đồng hành với các cơ quan của tỉnh tổ chức triển khai thi công xây dựng, giải phóng mặt bằng, sớm đưa dự án vào khai thác, tạo ra các sản phục vụ nhu cầu của người dân và lợi ích giữa các bên liên quan.