Thiếu hướng dẫn thực hiện một số nội dung chương trình mục tiêu quốc gia

07:25 - Thứ Hai, 03/04/2023 Lượt xem: 3242 In bài viết

ĐBP - Đến hết tháng 2/2023, tỷ lệ giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) là 47,971 tỷ đồng, đạt 4,08% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó: Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 4,72% kế hoạch vốn; Chương trình Giảm nghèo bền vững đạt 3,13% và Chương trình Xây dựng nông thôn mới đạt 4,15%.

Tuyến đường từ Keo Lôm vào trung tâm xã Noong U được bê tông hóa nhờ nguồn vốn các chương trình MTQG.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân vốn các chương trình MTQG chậm, tỷ lệ giải ngân vốn thấp, như: Ngân sách Trung ương phân bổ cho địa phương chưa kịp thời, một số dự án, tiểu dự án không kịp triển khai thực hiện do nội dung hoạt động hỗ trợ của các chương trình MTQG liên quan đến thời vụ; hiện nay Bộ Tài chính đã phân bổ kế hoạch vốn thực hiện các chương trình cụ thể cho các ngành, lĩnh vực tuy nhiên nhiều nội dung chưa phù hợp với nhiệm vụ chi của địa phương làm giảm tính chủ động trong việc phân bổ kinh phí...

Đối với những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của tỉnh, hiện nay vẫn còn 5 văn bản thuộc thẩm quyền của tỉnh chưa được ban hành. Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vẫn còn nội dung hỗ trợ Hợp tác xã, kinh tế tập thể thuộc Chương trình MTQG Xây dựng NTM là 4,5 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết. Một số công trình tại các huyện: Điện Biên Đông, Mường Chà, Nậm Pồ gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ. Toàn tỉnh hiện có 15 dự án đã có danh mục nhưng chưa được phân bổ vốn chi tiết năm 2023, trong đó có 5 dự án đã được phê duyệt và 10 dự án chưa được phê duyệt đầu tư do Ban Dân tộc, huyện Tủa Chùa và Điện Biên quản lý; 2 dự án thuộc Chương trình xây dựng NTM được phân bổ chi tiết nhưng chưa phê duyệt dự án đầu tư do huyện Điện Biên và Mường Ảng quản lý... Tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp 3 chương trình MTQG rất thấp là do Trung ương và cấp tỉnh thiếu rất nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện.

Ông Trần Đức Trọng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Điện Biên Đông cho biết: Hiện nay, thực hiện các dự án thuộc nguồn vốn sự nghiệp Chương trình Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi rất khó khăn. Vẫn còn một số vướng mắc về quy định, định mức thực hiện các dự án, tiểu dự án chưa được tháo gỡ. Đơn cử như nội dung hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tại Điểm a, Khoản 5, Điều 22 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định mức hỗ trợ không quá 1 tỷ đồng/dự án nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các hạng mục trong dự án nên huyện chưa có căn cứ để thực hiện.

Tương tự, huyện Nậm Pồ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải ngân nguồn vốn sự nghiệp 3 chương trình MTQG. Ông Bùi Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Năm 2023, nguồn sự nghiệp Chương trình Giảm nghèo bền vững phân bổ 6 tỷ đồng để thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp, nông thôn. UBND huyện đã liên hệ với Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên và Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên để liên kết đào tạo nghề. Tuy nhiên các trường không thể bố trí giáo viên dạy nghề theo chương trình của huyện trong khi đó huyện chỉ có 2 giáo viên có chứng chỉ đào tạo nghề. Do vậy, nhiều khả năng nguồn vốn này không thể thực hiện được. Đối với Chương trình Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được giao gần 40 tỷ đồng để thực hiện sửa chữa các công trình hạ tầng và triển khai các dự án sự nghiệp về y tế bản Lả Chà (xã Pa Tần). Với mức chi này đã vượt quá khả năng thực hiện của địa phương. Dự kiến, huyện sẽ đề xuất với UBND tỉnh trả lại khoảng 35 tỷ đồng.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, UBND tỉnh đã chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện 5 văn bản thuộc thẩm quyền trong quý I/2023. UBND cấp huyện phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung thực hiện phân bổ chi tiết nội dung hỗ trợ Hợp tác xã và kinh tế tập thể thuộc chương trình xây dựng NTM trong quý II trình UBND xem xét quyết định. Đối với nguồn vốn đầu tư, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tập trung tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án. Trong trường hợp người dân không chấp thuận, đề nghị chủ đầu tư điều chỉnh bổ sung chi phí giải phóng mặt bằng tăng tổng mức đầu tư các dự án, đồng thời rà soát cắt giảm các dự án chưa khởi công trong giai đoạn để trình HĐND tỉnh phê duyệt điều chỉnh kế hoạch trung hạn... Đối với nguồn vốn sự nghiệp, UBND tỉnh tiếp tục đề xuất với Trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top