Vướng mắc trong thực hiện Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số

08:28 - Thứ Tư, 05/04/2023 Lượt xem: 3711 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu giảm từ 5% hộ nghèo/năm vùng DTTS và miền núi trở lên; đưa 45 xã, 29 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các dự án thành phần đang gặp nhiều vướng mắc về cơ sở pháp lý, văn bản hướng dẫn, định mức thực hiện… ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu đề ra và tiến độ, hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Người Si La, bản Nậm Sin, xã Chung Chải đã được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng về nước sinh hoạt, giao thông, trường lớp học… từ các chương trình, dự án khác. Trong ảnh: Lớp học tại điểm trường Nậm Sin thuộc Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải số 2, huyện Mường Nhé.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng nguồn vốn đầu tư Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh là hơn 5.399  tỷ đồng. Bao gồm, vốn từ nguồn ngân sách trung ương gần 4.830 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách địa phương, vốn tín dụng chính sách và vốn huy động khác. Năm 2023 vốn đầu tư phát triển hơn 623,5 tỷ đồng và vốn sự nghiệp 624,1 tỷ đồng. Các dự án tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, trong quá trình rà soát, triển khai, các huyện gặp nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là trong triển khai nội dung tiểu dự án 1, dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. Lý do chính là việc phân bổ cho hoạt động lĩnh vực kinh tế ở tiểu dự án này quá lớn so với nhu cầu của các địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Thực hiện tiểu dự án 1, trên địa bàn huyện Mường Nhé 2 dân tộc thiểu số ít người là Cống và Si La được thụ hưởng . Tuy nhiên, dân số của cả 2 dân tộc ở bản Nậm Kè, xã Nậm Kè và bản Nậm Sin, xã Chung Chải rất ít, chỉ khoảng hơn 100 hộ. Thời gian qua từ các đề án bảo tồn và phát triển dân tộc ít người, các bản này đã được đầu tư đồng bộ từ trường học, đường giao thông, công trình nước sinh hoạt... Trong khi đó, nguồn kinh phí phân bổ cho tiểu dự án 1 rất lớn, khó có thể giải ngân hết.

Không chỉ tại huyện Mường Nhé, các huyện: Điện Biên, Nậm Pồ cũng gặp khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện tiểu dự án 1, dự án 9. Cùng với đó một số nội dung chưa có hướng dẫn, quy định dẫn đến các địa phương không thể triển khai thực hiện. Như dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, hiện nay Trung ương Hội LHPN Việt Nam chưa ban hành hướng dẫn triển khai các hoạt động về nâng cao năng lực kinh tế, câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi, địa chỉ tin cậy...

Trong quá trình thực hiện nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, trên cơ sở tiêu chí định mức phân bổ và kết quả rà soát, đề xuất danh mục đầu tư của các sở, ngành, địa phương, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch và phân bổ vốn cho các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn từ 2021 - 2025. Trong đó, các dự án thuộc dự án 1 (Hỗ trợ xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung) hỗ trợ bình quân là 2 tỷ đồng/công trình (thấp hơn 1 tỷ đồng/công trình so với mức ngân sách trung ương hỗ trợ); các dự án xây dựng mới chợ thuộc tiểu dự án 1, dự án 4 bình quân 2,6 tỷ đồng/chợ (thấp hơn 1,8 tỷ đồng/chợ); các dự án cứng hóa đường đến trung tâm xã chưa được cứng hóa thuộc tiểu dự án 1, dự án 4 bình quân hỗ trợ đầu tư là 2,5 tỷ đồng/km, cao hơn so với mức ngân sách trung ương hỗ trợ bình quân khoảng 900 triệu đồng/km.

Với các định mức phân bổ của trung ương, theo đánh giá của UBND tỉnh, trong điều kiện, khả năng cân đối của ngân sách địa phương là rất khó khăn để tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng các dự án cứng hóa đường đến trung tâm xã theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh vùng đồng bào DTTS và miền núi. Do điều kiện địa hình không thuận lợi, đồi núi, độ dốc lớn, địa chất thường nhiều đá; khối lượng thi công mở nền, tuyến và công trình trên tuyến nhiều dẫn đến suất đầu tư cao hơn so với đầu tư xây dựng ở nhiều vùng khác. Để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương, UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cho phép địa phương được chủ động cân đối, bố trí, sử dụng 100% vốn ngân sách trung ương để hỗ trợ đầu tư cứng hóa đường đến trung tâm xã chưa được cứng hóa.

Do khó khăn, vướng mắc nên Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh đến hết tháng 1/2023 (số liệu mới nhất) tỷ lệ giải ngân vốn mang tính chất đầu tư phát triển mới được 4,5% kế hoạch và 0,01% kế hoạch vốn sự nghiệp.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top