Ngành Tài chính cần bảo đảm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội và chính sách an sinh xã hội địa phương

07:36 - Thứ Sáu, 07/04/2023 Lượt xem: 3402 In bài viết

Lê Thành Đô                             

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh           

ĐBP - Cách đây 78 năm, ngày 28/8/1945 đánh dấu sự ra đời của ngành Tài chính Việt Nam và ngày 28/8 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của ngành Tài chính. Trong suốt chặng đường 78 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào ngành Tài chính luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây dựng nền tài chính độc lập, tự chủ, phục vụ lợi ích của Nhân dân, bảo đảm nguồn lực tài chính phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Đinh Bảo Dũng, Giám đốc Sở Tài chính trao thưởng cho đoàn viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Chi đoàn cơ sở Sở Tài chính. Ảnh tư liệu

Cùng với quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành Tài chính Việt Nam, năm 1963 ngành Tài chính tỉnh Lai Châu (nay là 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu) được thành lập. Trong quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành Trung ương; sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự đoàn kết, sáng tạo của tập thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính tỉnh Điện Biên đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; xây dựng Điện Biên phát triển nhanh và bền vững với diện mạo đô thị khang trang, nông thôn đổi mới.

60 năm là chặng đường đầy khó khăn, nhiều thách thức song cũng rất vẻ vang, tự hào của toàn ngành Tài chính tỉnh Điện Biên. Từ chỗ chỉ có 26 cán bộ ngày mới thành lập, đến nay do yêu cầu công tác quản lý đã tổ chức lại thành các đơn vị gồm: Sở Tài chính tỉnh Điện Biên, Cục Thuế tỉnh Điện Biên, Kho bạc Nhà nước tỉnh Điện Biên, Cục Hải quan Điện Biên, Chi cục dự trữ nhà nước Điện Biên. Các cơ quan trong hệ thống tài chính tỉnh Điện Biên đã phát triển mạnh mẽ về lượng và chất; 100% các đơn vị đã có tổ chức đảng và các đoàn thể. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có phẩm chất đạo đức tốt, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, sẵn sàng đáp ứng tốt mọi yêu cầu trong thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm của ngành Tài chính giai đoạn hiện nay.

Với đặc thù là tỉnh nghèo, miền núi biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, điều kiện kinh tế xã hội, đời sống vật chất của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn nhiều khó khăn; thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra; khả năng cân đối ngân sách của địa phương còn nhiều hạn chế, trên 90% nhiệm vụ chi của ngân sách tỉnh được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Trước những khó khăn và thách thức đó, cán bộ công chức ngành Tài chính tỉnh đã phát huy tính tự lực, sáng tạo, đổi mới, tích cực và chủ động nghiên cứu, tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ban hành nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành về lĩnh vực tài chính - ngân sách để cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, làm cơ sở cho các cấp, ngành tỉnh thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, thực hiện thắng lợi những mục tiêu quan trọng của tỉnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trong giai đoạn mới.

Trải qua 60 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, ngành Tài chính tỉnh Điện Biên luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh trong từng thời kỳ. Ngành đã tham mưu cho tỉnh xây dựng, cụ thể hóa hệ thống chính sách pháp luật về quản lý tài chính, ngân sách, thuế, phí, lệ phí, giá, công sản... đồng bộ, phù hợp với thực tiễn. Qua đó vừa động viên, huy động được các nguồn lực, vừa góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, quan tâm, tiếp cận và đầu tư tại tỉnh Điện Biên. Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ, ngành Trung ương cùng với sự nỗ lực của toàn ngành tài chính tỉnh Điện Biên, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh đạt được những kết quả tích cực. Năm 2001, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh mới đạt 75 tỷ đồng, năm 2010 đạt 461 tỷ đồng, thì đến năm 2016 lần đầu tiên tỉnh Điện Biên đạt mốc thu ngân sách trên địa bàn hơn 1 nghìn tỷ đồng và luôn duy trì tăng trong những năm tiếp theo; năm 2022 thực hiện 1.513 tỷ đồng, đạt 151,36% dự toán trung ương giao và là năm thứ 2 liên tiếp đạt số thu trên 1.500 tỷ đồng. Thực hiện chi ngân sách đảm bảo trong dự toán được giao; trong điều hành ngân sách đảm bảo nguồn theo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong dự toán giao và thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như: Khắc phục hậu quả thiệt hại do bão lũ, thiên tai, dịch bệnh gây ra. Đã khai thác, tận dụng tối đa nguồn lực chi đầu tư phát triển, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ưu tiên chi cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, phúc lợi xã hội. Thực hiện chức năng phân bổ, điều tiết nguồn lực tài chính, ngành Tài chính đã chủ động tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định phân bổ, điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách địa phương hàng năm cho các đơn vị để thực hiện nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và chủ đầu tư trong công tác phân bổ, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư hằng năm và giai đoạn.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, những năm qua ngành Tài chính tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Ngành Tài chính tỉnh đã triển khai kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Quản lý thuế năm 2019... trên địa bàn tỉnh; kịp thời, chủ động rà soát và tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính - ngân sách thuộc thẩm quyền của địa phương.

Bên cạnh đó, trước những tác động, diễn biễn khó lường của tình hình thế giới, khu vực và tình hình thiên tai dịch bệnh, ngành Tài chính Điện Biên đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt, có hiệu quả, góp phần thực hiện thành công kiềm chế lạm phát, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, đảm bảo an sinh xã hội. Đã phát huy vai trò là công cụ sắc bén trong thực hiện điều tiết vĩ mô nền kinh tế, động viên và huy động hợp lý, hiệu quả nguồn lực xã hội, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển; nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh. Đặc biệt, trong thời gian kinh tế - xã hội cả nước nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, ngành Tài chính tỉnh đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc điều hành linh hoạt, ổn định, đảm bảo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời tham mưu cấp có thẩm quyền những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tạo động lực để doanh nghiệp phục hồi và phát triển tại địa phương.

Sáu thập kỷ qua, cùng với sự phát triển của ngành Tài chính Việt Nam, ngành Tài chính Điện Biên đã nỗ lực vượt qua khó khăn, giữ vai trò quan trọng bảo đảm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội và chính sách an sinh xã hội của tỉnh, góp phần không nhỏ đưa Điện Biên vươn lên, có những bước chuyển mình, phát triển mạnh mẽ. Qua đó khẳng định ngành Tài chính tỉnh Điện Biên ngày càng trưởng thành và lớn mạnh. Ghi nhận công lao, đóng góp của ngành tài chính tỉnh, Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và UBND tỉnh đã tặng thưởng nhiều huân chương, cờ thi đua và bằng khen cho ngành.

Để hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, ngành Tài chính Điện Biên cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là: Tiếp tục quán triệt, bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Bộ Tài chính, của tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung triển khai tốt công tác quản lý điều hành ngân sách, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp điều hành ngân sách phù hợp với các quy định của pháp luật và tình hình thực tế địa phương.

Hai là: Quản lý, điều hành tài chính - ngân sách chặt chẽ, linh hoạt, đúng quy định pháp luật và hiệu quả. Thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về cơ cấu lại lại nguồn thu và thực hiện tốt công tác quản lý thu ngân sách, chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế. Điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả trong dự toán được giao, ưu tiên chi đầu tư phát triển; xử lý linh hoạt các nhiệm vụ chi đột xuất phát sinh trên địa bàn. Tiết kiệm chi thường xuyên gắn với cải cách hành chính, tinh giảm biên chế nhưng vẫn đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời kỳ mới.

Ba là: Tăng cường công tác quản lý thanh toán, quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Chủ động theo dõi, rà soát, nắm bắt tiến độ giải ngân để kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thanh quyết toán các dự án hoàn thành, đặc biệt các Chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn nước ngoài ODA. Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Bốn là: Phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý giá, thị trường. Thường xuyên nắm bắt diễn biến giá cả thị trường để kịp thời làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện bình ổn giá, xử lý khi có biến động bất thường về giá và thị trường; thẩm định phương án giá, quyết định giá; kiểm soát các yếu tố hình thành giá; đăng ký giá hàng hoá dịch vụ trên địa bàn tỉnh theo quy định Luật giá và các quy định hiện hành của pháp luật.

Năm là: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương về tài chính, ngân sách; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị và công chức, viên chức trong thực thi công vụ để đáp ứng yêu cầu đổi mới, chuyển đổi số, hướng đến xây dựng chính quyền số, kinh tế số.

Sáu là: Tiếp tục rà soát tổ chức bộ máy, cơ cấu đội ngũ công chức, viên chức đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong làm việc của cán bộ công chức đáp ứng yêu cầu công tác tài chính - ngân sách trong giai đoạn mới, góp phần hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 đã đề ra.

Bình luận
Back To Top