Vấn đề tuần này

Gỡ khó các dự án năng lượng

08:25 - Thứ Năm, 13/04/2023 Lượt xem: 5108 In bài viết

ĐBP - Trong những năm gần đây, Điện Biên rất quan tâm, chú trọng thu hút đầu tư vào các dự án phát triển năng lượng. Từ công tác quy hoạch, kế hoạch, các thủ tục đầu tư xây dựng, đền bù giải phóng mặt bằng... đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng, khai thác, vận hành, phát huy hiệu quả các dự án năng lượng.

Hiện tại, tỉnh có 91 dự án năng lượng, tổng công suất 5.935,66MW, trong đó 18 nhà máy thủy điện đã vận hành, hòa điện lên lưới, 6 nhà máy đang thi công, 15 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư... Các dự án năng lượng tái tạo khác (ngoài thủy điện) gồm: Điện sinh khối (4 dự án), tổng công suất 100MW; điện gió (12 dự án), tổng công suất dự kiến 1.900MW; thủy điện tích năng (3 dự án), tổng công suất dự kiến 3.200MW; điện rác (1 dự án), công suất dự kiến là 3MW.

Khi các dự án năng lượng hoàn thành, đưa vào khai thác, sẽ tạo nguồn thu rất lớn cho tỉnh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, giảm thiểu tác động môi trường, phòng ngừa lũ lụt... Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn vướng mắc, dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài, phải điều chỉnh tiến độ nhiều lần.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, có cả lỗi chủ quan, cần sự thống nhất đồng hành, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm từ phía cơ quan quản lý nhà nước, sự ủng hộ của người dân, quyết tâm của doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Trong bối cảnh các quy định của pháp luật còn chưa hoàn thiện, chồng chéo, ràng buộc bởi nhiều điều luật khác nhau, rất cần sự vào cuộc nhiệt tình, thực tâm của các sở, ngành, đơn vị liên quan để thống nhất chủ trương, phương án gỡ khó cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi triển khai các dự án năng lượng tại tỉnh.

Hiện nay, Trung ương đang thực hiện quy trình lập, thẩm định, phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch Điện VIII). Do vậy, ngành chủ quản cần phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư năng lượng thường xuyên liên hệ với các cơ quan chuyên môn Bộ Công Thương để rà soát, tổng hợp đầy đủ các nội dung theo kiến nghị của tỉnh, kịp thời bổ sung vào kế hoạch phát triển điện VIII quốc gia.

Việc đầu tư xây dựng phát triển hệ thống lưới điện truyền tải cũng cần được quan tâm đúng mức, thúc đẩy nhanh hơn. Các sở, ngành liên quan đôn đốc, hướng dẫn để cấp có thẩm quyền phê duyệt, sớm tổ chức thực hiện dự án đường dây 110kV thủy điện Lai Châu - Trạm biến áp 110kV Nậm Pồ; đường dây 110kV Mường Chà thủy điện Long Tạo; đường dây 220kV Sơn La - Điện Biên và trạm biến áp 220kV Điên Biên để việc tuyền tải, đấu nối, giải tỏa công suất các dự án năng lượng được đảm bảo.

Phần lớn các dự án nói trên đang vướng thủ tục đầu tư, thẩm định hồ sơ dự án, đánh giá tác động môi trường, đăng ký kế hoạch sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng... Do vậy, các sở, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bắt tay thực hiện.

Với doanh nghiệp, nhà đầu tư, cần đôn đốc các nhà máy thủy điện duy trì vận hành khai thác ổn định; chấp hành tốt các quy định về bảo vệ an toàn đập, hồ chứa thủy điện; quy trình vận hành hồ chứa. Kịp thời thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng với các nhà máy đã đi vào khai thác, vận hành.

Một mặt, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các nhà máy thủy điện đảm bảo thời gian, tiến độ; chấp hành nghiêm các quy định về chất lượng công trình, an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn lao động, bảo vệ môi trường...

Sau khi được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép, khởi công dự án, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần huy động nguồn nhân lực, tiềm lực tài chính để thực hiện theo đúng tiến độ cam kết, tránh hiện tượng đầu tư “giữ chỗ” gây lãng phí tiềm năng, làm mất cơ hội của những doanh nghiệp khác có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực năng lượng trên địa bàn tỉnh.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top