Thu hút đầu tư các thành phần kinh tế ngoài nhà nước

08:30 - Thứ Năm, 13/04/2023 Lượt xem: 4863 In bài viết

ĐBP - Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Điện Biên đã lập trên 33 đồ án quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị làm cơ sở để quản lý đầu tư, trật tự xây dựng, đất đai theo quy hoạch; tổ chức triển khai trên 25 dự án phát triển đô thị, nhà ở, thương mại, dịch vụ, logistics và phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch; trên 20 dự án trong lĩnh vực trồng rừng, trồng cây mắc ca, cây dược liệu và 91 dự án trong lĩnh vực năng lượng; ngoài ra còn rất nhiều chương trình, dự án đang được tổ chức nghiên cứu, khảo sát, hoàn chỉnh các thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Hợp tác xã 7/5 triển khai mô hình trồng cây dược liệu tại bản Thèn Pả, xã Sa Lông (huyện Mường Chà).

Tỉnh đã rà soát, ưu tiên lựa chọn các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư như: Sản xuất nông - lâm nghiệp; dịch vụ du lịch; phát triển các nguồn năng lượng và phát triển đô thị. Công tác xúc tiến đầu tư gắn với thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành và khu vực; thu hút đầu tư có chọn lọc phù hợp với mục tiêu, yêu cầu trong tình hình mới.

Điện Biên có tiềm năng lớn về đất đai, đặc biệt là đất cho sản xuất nông - lâm nghiệp với 736.000ha, trong đó diện tích đất chưa sử dụng khoảng 191.000ha (chiếm 20,05% diện tích tự nhiên), thích hợp để triển khai các dự án trồng rừng và trồng các loại cây đa mục đích như: Mắc ca, cây ăn quả, cây lâm nghiệp và cây dược liệu dưới tán rừng. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 4 dự án trồng rừng được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 có 2 dự án trồng rừng được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, gồm: Dự án Trồng rừng sản xuất, Nhà máy viên nén và chế biến dăm gỗ tại huyện Mường Chà của Liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH xây lắp Khoa Nguyên và Công ty TNHH Điện sinh khối Nhã Uyên (Quyết định số 2190/QĐ-UBND ngày 29/11/2022) và Dự án Trồng rừng tập trung tạo vùng nguyên liệu phục vụ Nhà máy điện sinh khối và các sản phẩm lâm nghiệp khác trên địa bàn 4 huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà, Tủa Chùa của Công ty TNHH CME Biomass Holdings (Quyết định số 402/QĐ-UBND ngày 13/3/2023). Hiện nay, có 1 dự án trồng rừng nhà đầu tư đang hoàn thiện đề xuất chủ trương đầu tư (Công ty TNHH MTV Năng lượng An Việt Phát).

Lãnh đạo công ty TNHH CME Biomass Holdings cho biết: Sau một thời gian nghiên cứu, khảo sát, Công ty đánh giá tỉnh Điện Biên có đủ các điều kiện, tiềm năng để thực hiện các dự án trồng rừng, phát triển điện sinh khối theo ý tưởng, kế hoạch của công ty. Công ty đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Hiện nay, nhà đầu tư đang tích cực phối hợp với UBND các huyện có dự án triển khai để tổ chức thực hiện các bước tiếp theo. Tiến độ cơ bản đảm bảo theo kế hoạch dự án được duyệt. Công ty đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho dự án; giải phóng mặt bằng tạo vùng lõi dự án, tạo điều kiện để nhà đầu tư thuê đất theo quy định; hỗ trợ đo đạc, quy chủ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân để làm căn cứ pháp lý ký kết hợp đồng liên kết trồng rừng với nhà đầu tư.

Trên cơ sở lợi thế về đất đai, khí hậu, định hướng của tỉnh đến năm 2030 toàn tỉnh dự kiến phát triển thêm 4.585ha cây lâm sản ngoài gỗ. Trong đó, tập trung ưu tiên phát triển cây dược liệu dưới tán rừng có giá trị kinh tế cao (khoảng 1.000ha) như: Sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh, sa nhân, thảo quả, cát sâm, sả Java, hà thủ ô, cẩu tích, tam thất, đẳng sâm, sâm cau... theo hình thức liên kết giữa người dân với hợp tác xã và doanh nghiệp. Hiện nay đã có 2 dự án đầu tư trên địa bàn huyện Tuần Giáo đang hoàn thiện các thủ tục để trình chấp thuận chủ trương đầu tư (Dự án trồng cây ăn quả ôn đới và cây dược liệu ứng dụng công nghệ tưới tự động tại xã Tênh Phông của Công ty Cổ phần Đầu tư rau quả Việt Nam; Dự án trồng và phát triển vùng dược liệu quý của Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà); 1 dự án nhà đầu tư đang tiến hành khảo sát, nghiên cứu tại huyện Tuần Giáo.

Ông Lê Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo khẳng định: Huyện Tuần Giáo luôn chủ động phối hợp, đồng hành, hướng dẫn, hỗ trợ, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan theo quy định của pháp luật về đầu tư cho các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu, lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện. Trong đó, UBND huyện chú trọng đánh giá đầy đủ về ưu, nhược điểm, hiện trạng sử dụng đất và các vấn đề đảm bảo tính khả thi, quy trình, trình tự, thủ tục khi triển khai dự án theo quy định của pháp luật.

Về phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo, Điện Biên được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế: Thủy điện trên 3 sông Đà, sông Mã và hệ thống sông Mê Kông; tốc độ gió mạnh và ổn định thuộc tốp đầu cả nước; có thời gian và mức bức xạ nhiệt mặt trời lớn. Trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số 91 dự án, tổng công suất là 5.935,66MW. Trong đó: Các nhà máy thủy điện đang vận hành khai thác là 18 dự án, tổng công suất 263,3 MW; 6 dự án đang thi công xây dựng; 2 dự án đang thực hiện lập hồ sơ trình thẩm định dự án đầu tư; 15 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư; 16 dự án đã được UBND tỉnh cho chủ trương nghiên cứu khảo sát, lập dự án đầu tư; 14 dự án có tiềm năng đang nghiên cứu, khảo sát. Đặc biệt là hiện nay toàn tỉnh có 20 dự án năng lượng tái tạo gồm: 4 dự án điện sinh khối, tổng công suất là 100MW; 12 dự án điện gió, tổng công suất dự kiến 1.900MW; 3 dự án thủy điện tích năng, tổng công suất dự kiến 3.200MW; 1 dự án điện rác, công suất dự kiến là 03MW. Đến nay, 8/12 dự án điện gió, nhà đầu tư đã hoàn thiện lắp đặt cột đo gió.

Ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Hiện nay, Trung ương đang thực hiện quy trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển điện VIII, UBND tỉnh đã kiến nghị đề xuất với Bộ Công Thương tổng hợp các danh mục cụ thể đối với từng dự án phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư thường xuyên liên hệ với các cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương để rà soát tổng hợp đầy đủ các nội dung theo kiến nghị của tỉnh, kịp thời báo cáo tham mưu cho UBND tỉnh các nội dung thuộc thẩm quyền. Đồng thời, sở cũng chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các nhà đầu tư rà soát đánh giá, tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt đảm bảo các nội dung về tiến độ thực hiện.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top