Góp phần thay đổi diện mạo nông thôn

09:09 - Thứ Sáu, 14/04/2023 Lượt xem: 3307 In bài viết

ĐBP - Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự đồng thuận của người dân, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện. Mạng lưới giao thông được mở rộng, các tuyến đường từng bước được cải tạo, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuyến đường vào trung tâm xã Noong U, huyện Điện Biên Đông đang được nâng cấp, bê tông hóa.

Ưu tiên phát triển GTNT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được huyện Điện Biên triển khai trong những năm qua. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, phong trào làm đường GTNT đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo các xã trên địa bàn, từng bước tạo ra mạng lưới giao thông liên hoàn, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển. Nhiều tuyến đường đã huy động được sự vào cuộc tích cực của người dân như tuyến đường bê tông liên thôn C9A - C9B - C9C (xã Thanh Xương) dài 2,5km được hoàn thành, đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư trên 2 tỷ đồng; trong đó người dân hiến đất, góp tiền, ngày công trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Trong 2 năm (2021 - 2022), huyện Điện Biên đã huy động trên 67 tỷ đồng đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 20 tuyến đường giao thông liên xã, liên bản, đường nội đồng. Đến nay toàn huyện có trên 255km đường trục xã, liên xã; gần 400km đường thôn, bản và liên thôn bản được cứng hóa; 16/21 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông.

Xác định giao thông giữ vai trò trọng yếu trong xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, những năm qua huyện Mường Nhé đã tranh thủ nhiều nguồn vốn đầu tư của nhà nước; vận động Nhân dân đóng góp kinh phí, hiến đất, công lao động đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trục đường, tuyến đường liên bản, liên xã. Trong giai đoạn 2019 - 2022, huyện Mường Nhé đã cải tạo, mở mới, nâng cấp 48,3km đường giao thông với tổng vốn đầu tư trên 140 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp 531 triệu đồng. Đến nay, huyện Mường Nhé quản lý 158,6km đường giao thông, các xã quản lý 243,96km đường liên thôn, bản, nội đồng. 11/11 xã trên địa bàn huyện đã có đường ô tô đến trung tâm xã; hệ thống đường trục xã, liên xã, trục bản, liên bản đã được cứng hóa, đi lại thuận tiện quanh năm; trong đó có 196,44km đường trục bản, liên bản đã được cứng hóa đạt chuẩn.

Phong trào làm đường GTNT thời gian qua được các huyện, thị, thành phố tích cực đầu tư, củng cố. Bên cạnh nguồn lực đầu tư của nhà nước, thì người dân góp phần không nhỏ trong phát triển hệ thống GTNT trên địa bàn tỉnh. Nhiều xã, bản vùng cao, biên giới mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng đã huy động người dân tích cực tham gia. Tiêu biểu như người dân bản Ham Xoong 2, xã Vàng Đán (huyện Nậm Pồ) góp tiền và ngày công lao động trị giá 42 triệu đồng làm đường bê tông vào bản; người dân bản Nậm Chua 5, xã Nậm Chua (huyện Nậm Pồ) đóng góp 35 triệu đồng làm đường bê tông; Nhân dân các xã Noong U, Chiềng Sơ (huyện Điện Biên Đông) trong năm 2022 đã đóng góp tổng cộng 1.835 ngày công tu sửa hơn 7km đường giao thông nội bản... Từ nguồn vốn ngân sách trung ương, địa phương, đóng góp của Nhân dân và các nguồn vốn khác, hàng nghìn km GTNT trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo. Đến nay, toàn tỉnh có 783 tuyến đường xã, tổng chiều dài hơn 2.800km và gần 4.000km đường GTNT. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 80/115 xã có đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 68/115 xã có đường thôn, bản và đường liên thôn, bản được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 67/115 xã có đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Đến nay, toàn tỉnh có 62/115 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông (đạt 53,91%).

Phát triển GTNT đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh, từng bước tạo mạng lưới giao thông liên hoàn, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh nâng cấp, mở rộng, bê tông hóa hoặc nhựa hóa 100% hệ thống các tuyến đường xã, đảm bảo giao thông đi lại thuận tiện trong 4 mùa. Nâng cấp các tuyến đường trục thôn, xóm đạt tỷ lệ cứng hóa khoảng 90%, gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới tỉnh ta tiếp tục lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng đường GTNT trên địa bàn; tăng cường huy động, thu hút đầu tư, chú trọng xã hội hoá, huy động sự vào cuộc của người dân để từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top